Báo cáo tổng kết của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho thấy, năm 2018, Tổng cục đã phân công nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính, cấp phép hoạt động khoáng sản, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, giải quyết khiếu nại tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, triển khai có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, năm 2018 Tổng cục đã triển khai 4 cuộc đối với 34 giấy phép hoạt động khoáng sản; hậu kiểm 6 cuộc với 74 giấy phép hoạt động khoáng sản; kiểm tra chuyên đề (khai thác cát, sỏi lòng sông) 3 cuộc đối với 29 giấy phép khai thác; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoảng sản 7 cuộc với 83 giấy phép hoạt động khoáng sản… Kết quả thanh tra, kiểm tra, đã ban hành các kết luận thanh tra, thông báo khắc phục các tồn tại, vi phạm và ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt gần 8.500 triệu đồng…
![]() |
Tuy nhiên, từ việc thực hiện quy định kiểm tra, thanh tra định kỳ 1 lần/năm đối với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ cho thấy, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương vẫn tồn tại. Một trong những nguyên nhân là kinh phí cấp hàng năm cho công tác kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu, phương tiện trang bị chưa đầy đủ, trong khi đây là lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, địa bàn thực hiện khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác này của Tổng cục còn quá mỏng…
Khắc phục tình trạng trên, trong năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó lấy hậu kiểm làm trọng tâm. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra còn mỏng, cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, kiểm tra. Căn cứ vào báo cáo của doanh nghiệp khai thác khoáng sản để giám sát, từ đó phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.