Điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh 2022

Trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô qua đấu giá

- Thứ Năm, 22/09/2022, 17:55 - Chia sẻ

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, chiều 22.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô qua đấu giá -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Nghị quyết có 4 chính sách khác với quy định của luật gồm: chính sách về đấu giá biển số ô tô khác với quy định cấm mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của Luật Giao thông đường bộ; chính sách về đấu giá được thực hiện trong trường hợp có một người duy nhất đăng ký tham gia và trúng đấu giá khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản; chính sách về quyền sở hữu biển số xe hạn chế một số quyền cụ thể của người trúng đấu giá biển số so với nội hàm của quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự; chính sách về sử dụng nguồn thu từ đấu giá theo hướng phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương cũng khác với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô qua đấu giá -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Như vậy, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức văn bản. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh. 

Về phạm vi thí điểm, ông Hoàng Thanh Tùng thông tin, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vì vấn đề này đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao, đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề xuất thí điểm trên phạm vi toàn quốc bởi về nguyên tắc, việc thí điểm là đối với những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn, cần tiến hành thận trọng trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định để đánh giá tác động, chỉ sau khi thí điểm thành công mới mở rộng phạm vi để áp dụng chung.

Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với thời gian thí điểm là 3 năm như đề xuất của Chính phủ, đồng thời cho rằng, thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Một số ý kiến đề nghị thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 là phù hợp với thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Mặt khác, việc Quốc hội xem xét, quyết định cho phép thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá sẽ giúp khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Bên cạnh đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, dự thảo Nghị quyết cần tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, dễ thực hiện, hài hoà lợi ích của nhà nước và người dân; có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về đấu giá biển số; giải trình rõ hơn về lý do đề xuất ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và căn cứ để áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở xem xét cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) theo quy trình tại một kỳ họp.

Thanh Chi
#