TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

- Chủ Nhật, 18/09/2022, 09:07 - Chia sẻ

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội thảo chuyên đề 2 “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 bước vào phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ tham dự hội thảo.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Uỷ viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan… 

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chủ trì hội thảo gồm Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc;  Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang. 

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các đại biểu tham dự phiên chuyên đề 2. Ảnh: Lâm Hiển

9h15': Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận: “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”.

Tiếp đó, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ về chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan có bài trình bày về “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Quang cảnh hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”. Ảnh: Lâm Hiển

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất (tháng 1.2022), Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Gói hỗ trợ có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023 hướng đến 3 mục tiêu.

Một là, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Hai là, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

Ba là, phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy vậy, theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội,  tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm.

9h32': PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Nên giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua. Tính đến tháng 8.2022, Chính phủ, các Bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận. Ảnh: Lâm Hiển

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ; khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần cùng kỳ năm 2021. Những con số kể trên phần nào đó biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế tại nước ta. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2.9.2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350.000 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân… 

Theo ông Nguyễn Trúc Lê, có 5 khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ này. Theo đó, doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin, điều kiện doanh nghiệp còn hạn chế. “Doanh nghiệp lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức”.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính; thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch. 

Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỷ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. 

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã thực sự kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Dự kiến, việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Ước tính cả năm nay tăng trưởng đạt 7,5%. Muốn vậy, cần tổng hợp, đánh giá kỹ các gói hỗ trợ. 

Theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như nghiệp logistics, công nghiệp hỗ trợ…

Về dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế. 

“Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể”, PGS, TS Nguyễn Trúc Lê đề xuất.

Về một số chính sách hỗ trợ cụ thể, theo vị chuyên gia này, cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần bóc tách vấn đề này.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ. 

Trên thực tế, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu lạm phát 4%, song Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh room tín dụng, ông Nguyễn Trúc Lê đề nghị.

9h46'Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam: Trong điều kiện mới, năng lực cạnh tranh phải gắn với tư duy phát triển bền vững

Theo bà Hà Thu Thanh, trong 2 năm 2020 và 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Bên cạnh những cú sốc về dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu đang  là một thách thức lớn và đầy bất định. 

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh trình bày tham luận. Ảnh: Lâm Hiển

Việt Nam không nằm ngoài tác động chung của đại dịch Covid-19 như các quốc gia khác. “Sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng ta đều thấy các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên”. 

8 tháng đầu năm 2022, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi, hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. 

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50 nghìn doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước. 

Điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp. 

“Vì thế, bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh - sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế”, bà Thanh nhấn mạnh.

Theo bà Thanh, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp là khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh, bằng cách chứng minh sản phẩm và dịch vụ có tính đổi mới và đa dạng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, cùng với giá cả cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước và quốc tế. 

Từ trước tới nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đang được phân tích dựa trên hai chỉ số chính là năng suất và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, mà ở đó phải thỏa mãn tốt nhất cho khách hàng trên thị trường nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có lợi nhuận. 

Bên cạnh đó có tỉnh đến các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, đó là các yếu tố đầu vào của sản xuất như lao động, đất đai, máy móc cũng như trình độ quản lý, tiếp thị, nguồn tài chính, công nghệ và khả năng sáng tạo.

Tuy nhiên, trong điều kiện mới - phục hồi hậu Covid, năng lực cạnh tranh cần tính đến cách doanh nghiệp tiếp cận với tư duy phát triển bền vững, chắc chắn bên cạnh lợi nhuận thì các yếu tố ESG (môi trường – xã hội - quản trị) cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. 

Bà Thanh cho biết, nhóm tư vấn của Deloitte đã nghiên cứu và chỉ ra 4 nhóm hành động thiết thực các doanh nghiệp nên thực hiện để đảm bảo tính hoạt động kinh doanh liên tục – liên tục ứng phó với các rủi ro bất ổn không chỉ bởi đại dịch, mà trong mọi điều kiện. 

“Đây là những nguyên tắc cơ bản mà mọi doanh nghiệp nên và cần làm để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh”, bà Thanh nhấn mạnh.

Nhóm 1: Các hành động cần ưu tiên cao để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp, tập trung vào các ưu tiên quan trọng và lâu dài, quản trị dòng tiền. 

Nhóm 2: Các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi, tập trung vào thị trường và các sáng tạo để thích ứng với thay đổi thói quan của người tiêu dùng. Xây dựng các chính sách gắn kết với các nhà cung ứng đảm bảo tỉnh liên tục của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng. 

Nhóm 3: Các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp để phục hồi kiên cường, bền vững. Tập trung vào điều chỉnh/ thay đổi/ nâng cao chất lượng các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp; Tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; Tối ưu hóa thương mại điện tử. 

Nhóm 4: Các hành động thực chất đến từ tư duy lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp về Phát triển bền vững liên quan đến ESG – Môi trường, Xã hội và Quản trị tốt. 

“Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang nhìn nhận ESG là một rủi ro, tuy nhiên, trên thực tế, đây chính là yếu tố cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt khi các quỹ đầu tư quốc tế cũng đang lấy các yếu tố ESG làm cơ sở để đánh giá hiệu quả đầu tư của một doanh nghiệp, giúp tạo dựng uy tín và danh tiếng trên thị trường”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam nhấn mạnh. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững, bà Thanh cho rằng, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đa cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Gợi ý một số nhóm giải pháp cụ thể với doanh nghiệp một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, bà Thanh cho rằng, các hành động thiết thực mà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm từ nông nghiệp nên ưu tiên thực hiện là hành động thuộc Nhóm 2 và Nhóm 3 để làm chủ cuộc chơi ngay từ trên sân nhà.

Đối với ngành du lịch và dịch vụ du lịch nắm bắt lại cụ thể hơn về hành vi nhóm khách hàng trọng tâm của mình và sự cạnh tranh khi hết giãn cách xã hội để định hướng lại sản phẩm, dịch vụ bao gồm cả vấn đề tối ưu giá, kênh tiếp thị... để phục hồi khi có cơ hội.

Cũng theo bà Thanh, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điều này cũng thể hiện cho sự quan tâm và cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Các đại biểu dự phiên chuyên đề 2. Ảnh: Lâm Hiển

10h03'Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan: Gói hỗ trợ tiền thuê nhà đã giải ngân 50,91%

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện…

Về kết quả thực hiện một số một số nội dung về an sinh xã hội, lao động, việc làm theo Nghị quyết 43/2022/QH 15, ông Đoan cho biết, chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân đạt 86,91% so với số kinh phí đã tiếp nhận đề nghị, đạt 50,91% so với dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu

Cụ thể, đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (3 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên, Cao Bằng). Đến ngày 10.9.2022, đã có 129 lượt doanh nghiệp với 5.373.312 lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 3.801,8 tỷ đồng, tương đương với 58,58% so với kinh phí dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu. Đã thẩm định, phê duyệt danh sach và số tiền hỗ trợ tương đương 97,61% so với số hồ sơ đã tiếp nhận đề nghị). 

Đối với nội dung đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư của 5 dự án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trực tiếp thực hiện; phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với 10/11 dự án thuộc lĩnh vực trợ giúp xã hội và 19/21 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Có 3 dự án trong tổng số các dự án chưa được phê duyệt thủ tục đầu tư, không thực hiện tiếp gồm: Dự án xây mới Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (60 tỷ đồng) do thủ tục về đất đai; Bộ Xây dựng có văn bản xin rút 2 dự án đầu tư Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (70 tỷ), dự án Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang (70 tỷ).

Về thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 11.9,2022, tổng dư nợ đạt 10.186 tỷ đồng (hoàn thành 26,5% chỉ tiêu kế hoạch được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP trong 2 năm). 

Về thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 66.915 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu khách hàng, số tiền được hỗ trợ lãi suất 551 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng khách hàng. 

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Tính đến hết tháng 8.2022, đã thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 346.664 đơn vị với 11.983.290 lao động, với số tiền được giảm đóng là hơn 8.385 tỷ đồng, dự kiến số giảm đóng đến hết tháng 9.2022 khoảng 9.211 tỷ đồng.

Kết quả hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến 31.12.2021 đã chi trả cho 12.968.992 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót về hồ sơ với tổng số tiền chi trả hơn 30.802 tỷ đồng.

Tính đến ngày 10.9.2022 về cơ bản đã giải quyết xong việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid -19 theo tinh thần Nghị quyết 24 số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15. Cụ thể, đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng. Hiện còn 49.249 người (chiếm khoảng 12% so với số lượng đối tượng đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả) không thực hiện hỗ trợ sau khi rà soát do không đủ điều kiện với số tiền hơn 121 tỷ đồng. 

“Chính phủ cần tiếp tục quan tâm rà soát những đối tượng nằm trong những trường hợp không thực hiện hỗ trợ này để tránh trường hợp sai sót, phát sinh khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động”, ông Đoan đề xuất.

10h14': Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu bước vào phiên thảo luận tìm giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Phiên thảo luận bắt đầu dưới sự điều hành của Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Bùi Văn Huyền.

Tham dự thảo luận có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà; Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Picus.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề. Ảnh: Lâm Hiển

10h38'Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Nhiệm vụ khác nhau nên tiến độ khác nhau

Thực tế triển khai Nghị quyết số 43/2022/1QH15 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đặt ra câu hỏi: Phải chăng tương đối chậm, một số chính sách có vẻ chưa đi vào cuộc sống?

Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, với 17 nhóm nhiệm vụ liên quan đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. 

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Công tác chỉ đạo của Chính phủ với các bộ, ngành triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 khá kịp thời”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, có nhóm triển khai được ngay song có một số nhóm cần khá nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 3 nhóm nhiệm vụ.

Nhóm 1 là các nhiệm vụ có kinh nghiệm triển khai trong năm 2020 – 2021 và bước vào 2022 có thể làm ngay, như miễn giảm thuế. Thực tế, ngay từ tháng 1.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Cách thực thực hiện mang tính hạch toán nên giải ngân tức thì theo từng tháng.

Nhóm 2 là các nhiệm vụ liên quan việc chuẩn bị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý để triển khai. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, trong đó cần thời gian nhất định để ban hành.

Về mặt nội dung cũng cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan, bảo đảm đúng theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai nhanh và hiệu quả.

Cụ thể, văn bản cấp Nghị định đã ban hành Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30.5.2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại ngân hàng chính sách xã hội; văn bản cấp Quyết định có Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28.7.2022 về phân cấp triển khai dự án đầu tư công. Thực tế đã triển khai và có kết quả cụ thể.

Nhóm 3 là các nhiệm vụ có tiến độ chậm hơn vì đòi hỏi công tác và thời gian chuẩn bị tương đối dài, khá khó. Đó là chính sách về đầu tư công, liên quan gói 176.000 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần là do bối cảnh khách quan về tình hình dịch bệnh.

Với nhóm nhiệm vụ này chia làm 2 khía cạnh. Về vốn, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo cơ chế hết sức linh hoạt.

Về dự án, là nhiệm vụ khá khó vì liên quan trình tự thủ tục. tại Kỳ họp cuối tháng 8, Chính phủ đã trình 94 dự án, vốn đạt hơn 140.000 tỷ đồng. Còn lại hơn 20.000 tỷ đồngđối với nhiệm vụ dự án còn lại, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục. Ngay sau khi hoàn thiện sẽ tiếp tục triển khai. “Đây là nhiệm vụ Chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để giám sát, chỉ đạo kịp thời”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu.

Thứ trưởng cho biết thêm, qua 8 tháng, giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng trong tổng sô hơn 300.000 tỷ đồng. 

Nhìn chung, “chỉ đạo của Chính phủ để triển khai Chương trình là khá kịp thời, mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc”, ông Phương khẳng định.

10h46'Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Sẽ tiếp tục sửa đổi chính sách, thủ tục để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% 

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% và việc có hay không tâm lý “e ngại” của cả ngân hàng và doanh nghiệp, ông Hà cho biết, sau 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Số liệu cũng còn khiêm tốn”, Phó thống đốc NHNN xác nhận. 

Giải thích rõ thêm, ông Hà cho biết dù Nghị định 31 ban hành tháng 5 nhưng dư nợ tính từ tháng 1.2022 nên theo đánh giá nhanh của NHNN, tổng dư nợ của Chương trình có thể đạt 800.000 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Hà, cho vay theo chương trình này không phụ thuộc vào room tín dụng còn hay nhưng việc triển khai chưa được như kỳ vọng do 4 nhóm khó khăn.

Về đối tượng hỗ trợ, có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; nếu 1 trong số đó thuộc diện được hỗ trợ thì có được hưởng gói này không, đó là vấn đề đặt ra. Nhiều hộ gia đình là khách hàng quen thuộc của ngân hàng nhưng lại không đăng ký kinh doanh thì cũng chưa đủ điều kiện hỗ trợ.

Thứ hai là tiêu chí đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi. Chúng tôi thấy có thể có sự khác biệt trong đánh giá, thẩm định giữa ngân hàng cho vay với đánh giá sau này của cơ quan thanh tra kiểm toán và đánh giá tính khả thi của dự án cũng khó khăn vì diễn biến thị trường sẽ tác động vào dự án.

Về tâm lý, đúng là có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Khách hàng cũng e ngại chuyện thanh tra, kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, dư nợ hỗ trợ 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai 4.400 tỷ đồng nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ  cũng như thực tế vì phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn được hỗ trợ hay không.

“Có khách hàng nói thủ tục rườm rà, điều kiện phức tạp nhưng đây là chính sách, rất mong khách hàng tuân thủ các điều kiện để bảo đảm hồ sơ giải ngân, minh bạch, chặt chẽ”, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Hà cho biết, tới đây, NHNN sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các bộ ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.

11h03'Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam: Ưu tiên kích thích chi tiêu

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam cho biết, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP, vì vậy, nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP. Thực tế, năm 2021 chi tiêu giảm 21%, dẫn tới suy giảm GDP quý III. 

Theo đó, để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ông Jonathan Pincus cho rằng, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu; từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh. 

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa”, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, một biện pháp để kích thích chi tiêu hộ gia đình là chuyển khoản tiền mặt cho người dân. Các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam đang gặp khó khăn chuyển tiền mặt quy mô lớn một cách nhanh chóng, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, từ bài học 2021, ông Jonathan Pincus khuyến cáo Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…

11h18'Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: 7 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Có thể thấy, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian vừa qua đã được tập trung đẩy mạnh tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. An sinh xã hội được bảo đảm nhưng nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. 

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần thiết phải phát triển chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới mà đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong thời gian qua, chúng ta đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó có chất lượng đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng đã được chủ trương nhất quán từ trước đến nay và chúng ta cũng đang tiến hành, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn vấn đề này.

Thứ hai, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta cũng đã thực hiện và đến nay đã có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chúng ta đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Một số lực lượng lao động qua quá trình làm việc có thể trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu thì chúng ta đào tạo lại và đào tạo thường xuyên hơn. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề nghiệp nhằm hoàn thành đội ngũ lao động lành nghề và đáp ứng được nhu cầu về nhân lực khi Việt Nam phát triển như hiện nay, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. 

Hiện nay đối tượng lao động lành nghề của chúng ta đã hình thành tuy vậy chưa đáp ứng nhu cầu, vừa bảo đảm về trình độ nhưng còn phải bảo đảm về ngoại ngữ. Việt Nam cũng cần phải tham gia vào thị trường đào tạo quốc tế.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư trong đó có cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo tại nơi làm việc. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách thu hút được người học thuộc các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm.

Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng trong đó chú trọng những đối tượng đặc thù. 

Thứ năm, hiện nay lao động ở khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đào tạo nhiều, lao động đã bị thất nghiệp cần được tư vấn để được đào tạo lại để quay trở lại làm việc, hay người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp cũng cần được quan tâm, tránh việc thất nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về quy trình đào tạo nghề nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai như về AI, trí tuệ nhân tạo, khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin thị trường lao động quôc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về nhu cầu lao động, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và phản hồi của người tốt nghiệp để phục vụ nhu cầu quản lý.

Thứ bảy, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình và hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, vùng miền, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhất là nhân lực công nghệ cao. 

Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách như Nghị quyết số 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và gần đây nhất là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân được hơn 50%. Ngoài ra tiếp tục khảo sát, đánh giá tình hình lao động như thế nào để có những chính sách như Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Sắp tới, Bộ tiếp tục quan tâm đề xuất chính sách mới để hỗ trợ người lao động, chất lượng người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động để giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. 

11h21'Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa: Quan trọng nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả Qũy bình ổn để hạn chế tăng giá, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ…

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy vậy, giải ngân các gói hỗ trợ còn chậm. Một phần nguyên nhân do điều kiện, thủ tục phức tạp, trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đề xuất 8 nhóm giải pháp.

Một là, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh. “Theo phản ánh của doanh nghiệp, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định, gây điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng  các dự thảo luật, đặc biệt dự thảo luật có tác động sâu rộng như: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cần tham vấn rộng rãi. Hoạt động tiếp thu, giải trình cần minh bạch, chất lượng để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Bùi Trung Nghĩa đề xuất.

Hai là, tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện – đầu vào quan trọng của doanh nghiệp.

Ba là, cần có biện pháp tháp gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Bốn là, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động. Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện goám sát chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho mô hình kinh doanh mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích các bên; bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh bằng cách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Sáu là, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động liên tục và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Bảy là, cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng sản xuất trong nước, xử lý vướng mắc chính sách liên quan quy tắc xuất xứ trong thực hiện các FTA.

Tám là, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp.

Trong đó, giải pháp thứ 6 là một trong những giải pháp thiết thực, quan trọng nhât để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp căn bản lâu dài, hiệu quả nhất về chi phí, cũng là nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện liên tục từ năm 2014 đến nay, thông qua các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố quan trọng trong đột phá thể chế. Đây cũng là một trong 3 đột phá mang tính chiến lược cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới.

11h29'TS Trần Du Lịch: Phải gỡ nút nghẽn trong hấp thụ vốn 

Theo TS. Trần Du Lịch, Nghị quyết 43 của Quốc hội thể hiện tinh thần “ứng vạn biến” rất nhanh, sớm; tiếp theo là Nghị quyết 11 của Chính phủ mang tính chiến lược quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. 

Tuy nhiên, “quyết sách của Quốc hội, Chính phủ rất đúng, rất kịp thời nhưng khi vận hành “đụng” trùng trùng điệp điệp từ thông tư đến các quy định”. 

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
TS Trần Du Lịch phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Quyết sách Quốc hội đưa ra phải cấp cứu” đáng lẽ xe phải có đèn chạy ưu tiên nhưng tài xế cứ chạy từ từ, do đó, từ quyết sách vào thực tiễn còn chậm”.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch có 3 loại: thứ nhất là mở cửa trở lại là hoạt động liền; thứ 2 là khó khăn về vốn, được hỗ trợ tín dụng hoạt động lại được; thứ 3 là các doanh nghiệp mất thị trường, thiếu lao động và nợ chồng chất. 

Ngoài ra, một thành phần bị ảnh hưởng rất nặng nề là 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, họ đóng góp rất lớn cho GDP nhưng không thể vay được tiền và khả năng phục hồi rất chậm. 

Bên cạnh đó, do tắc nghẽn thủ tục nên một số lĩnh vực như ngành xây dựng phục hồi không được. 

“Cần nhanh chóng rà lại hệ thống chính sách này triển khai thế nào”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và nêu 3 kiến nghị.

Thứ nhất, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng hấp thụ vốn rất khó khăn, không hấp thụ được. Do đó, phải gỡ khó khăn trong hấp thụ vốn mới phục hồi phát triển được.

Thứ hai, giữ được cái bất biến giữ vạn biến như Chủ tịch Quốc hội nói; phải ổn định được lạm phát, giá cả, dự trữ ngoại hối dòng tiền. Từ nay cuối năm, dư địa tín dụng còn 4% phải bơm vào được những nơi cần bơm như Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu. 

Thứ ba là phối hợp tài chính tiền tệ, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tránh phát hành trái phiếu trong kho bạc. Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam, tiền tệ và vốn trung dài hạn qua chứng khoán. Từ trước đến nay chủ yếu nguồn vốn dựa vào các ngân hàng thương mại cả vốn trung dài hạn. Gần đây có sự cố thị trường, làm sao trái phiếu doanh nghiệp phát triển gánh cho các ngân hàng thương mại.  

Đối với an sinh xã hội, hiện chỉ có 8% lao động ở các khu công nghiệp có nhà ở, còn lại sống bấp bênh. Do đó, cần xây nhà công nhân, xây nhà xã hội cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ phát triển bền vững chứ không phải chỉ là hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời như giai đoạn vừa qua. 

11h38'TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Đại dịch Covid-19 là một phép thử cho thị trường lao động

Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là một phép thử cho thị trường lao động Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hệ thống pháp luật và phương thức điều hành của đất nước chúng ta, thể hiện qua 5 vấn đề. 

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Một là, đại dịch làm đứt gãy thị trường lao động và quan trọng là dẫn đến sự thiếu hụt cục bộ lao động. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề lao động thì sẽ giúp kết nối lao động rất tốt.

Hai là, thể hiện sự thiếu kết nối và sự liên thông của các vùng, miền trong nước.

Ba là, khả năng thích ứng và xử lý rủi ro của chúng ta còn chậm và hiệu quả chưa cao, độ bao phủ thấp. Qua đại dịch, người lao động có khả năng tích lũy thu nhập rất thấp, không có việc làm là khó khăn ngay. 

Bốn là, hệ thống pháp luật có nhiều chính sách cứng nhắc, thiếu linh hoạt, dẫn đến khả năng xử lý tình huống bất trắc phải chờ xin ý kiến hoặc chờ sửa chính sách pháp luật. 

Năm là, công tác quản trị chưa tốt, đặc biệt là trong khi cơ sở dữ liệu về thị trường lao động không hiện đại, số liệu thống kê từ cơ sở không đáp ứng được yêu cầu thích ứng khi thị trường lao động có những tác động xấu. 

Tôi có 3 giải pháp, kiến nghị bổ sung. 

Thứ nhất, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng phải linh hoạt, thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. 

Thứ hai, phải phát triển khoa học về quản trị nhân lực của đất nước để bảo đảm hiện đại hóa về quản lý nguồn nhân lực và bảo đảm được dữ liệu cơ bản. Việc này không chỉ cần thiết cho phát triển kinh tế mà khi cần thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội thì chúng ta vẫn có số liệu. 

Thứ ba, phải chính thức hóa thị trường lao động phi chính thức, bảo đảm nguồn nhân lực quốc gia 52 triệu lao động được hưởng quyền lợi và các chính sách bảo hộ của nhà nước để trên cơ sở đó được hưởng chính sách an sinh xã hội của đất nước. 

Bên cạnh đó, TS. Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi với ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam: Xin ông cho biết nút thắt hoặc điểm nghẽn cơ bản nào của thị trường lao động khi bị tác động bởi đại dịch Covid-19? 

Trả lời câu hỏi này, ông Jonathan Pincus cho biết, trong đại dịch, các chính sách của Việt Nam chủ yếu tập trung nguồn cung. Trong khi thực tế khó khăn về nhu cầu nhiều người không có khả năng mua hàng. 

Do đó, sau đại dịch cần tập trung làm thế nào người lao động có thể chuyển việc thuận lợi. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ về nhà ở, đào tạo người lao động có việc thuận lợi hơn, đồng thời có những hình thức đào tạo phù hợp cho người lao động.  

11h49'Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ: Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 cần đặt trong tổng thể các chính sách đã ban hành

Đặt câu hỏi với Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus, Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ cho rằng, nên chăng khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, cần phải đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành và thực hiện từ năm 2020 và cả những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31.12.2021 nhưng thực hiện cho năm 2022. Ví dụ, việc Việt Nam quyết định sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ngay một lúc chi tới 38.000 tỷ đồng bằng tiền mặt, sau đó, vẫn tiếp tục kéo dài chính sách này chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết số 43) là vào khoảng 2 tỷ USD, chưa kể phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ đặt câu hỏi với Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus. Ảnh: Lâm Hiển

“Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Chúng ta đánh giá chỉ có vấn đề giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu? Chưa kể trong giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam bằng tiền mặt là rất lớn. Như vậy để thấy rằng phương pháp tiếp cận đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ trong tổng thể các chính sách khi thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Nghị quyết 42 của Quốc hội trong suốt năm 2020 - 2021... Đây là vấn đề liên quan đến nhận thức và kinh nghiệm quốc tế vì mỗi nước có hoàn cảnh rất khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Ở góc độ khác, nêu thực tế các nước có tỷ lệ lạm phát cao trong khi Việt Nam lại duy trì được ở mức thấp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, vì ngân sách Việt Nam tài khoá không có nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng, với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hoá hơn và thực thi rất nhanh. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng. Vậy đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không? Chưa kể chính sách này còn có tác động kép, góp phần giảm lạm phát. Đó là lý do giúp lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua giữ được ở mức thấp. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội phải tiếp tục nghiên cứu tiếp vấn đề này.

TRỰC TIẾP: Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 -0
Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau đại dịch Covid-19: số người mất việc làm thì thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự như ở Việt Nam, số người nói là thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ. “Phải chăng có một bộ phận người lao động đang khu trú ở đâu đó sau đại dịch Covid -19? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần nghiên cứu vấn đề này. Dường như có một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trên thế giới, xu hướng này ra sao?” Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và cho rằng, có những vấn đề sau Diễn đàn có thể kết luận được, nhưng cũng có những vấn đề chưa thể kết luận được mà gợi mở để tiếp tục nghiên cứu cũng chính là kết quả của Diễn đàn.

12h00'Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus: Hỗ trợ bằng tiền mặt giúp điều hòa nguồn thu ngân sách

Trả lời các câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus cho biết, thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách Nhà nước.

Từ góc độ cầu ở Mỹ và châu Âu cho thấy, các khoản hỗ trợ người lao động từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày khác. Chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Còn ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách. Bởi vậy, Mỹ và châu Âu rất quan tâm tới chính sách này.

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về thị trường lao động, ông Jonathan Pincus cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền mặt không phải là nguyên nhân khiến người lao động rút khỏi thị trường. Các khoản hỗ trợ chỉ được chi trả khi có dịch. Khi hết dịch, các khoản hỗ trợ này bị cắt nên người lao động vẫn phải quay lại làm việc để có thu nhập.

Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc, ông Jonathan Pincus cho rằng có thể là do sức khỏe của họ bị suy giảm sau đại dịch, vì thống kê cho thấy 10% người bị nhiễm Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, nhất là với người lớn tuổi, và cần nhiều thời gian để hồi phục. Ngoài ra, có thể do lao động di cư không trở lại nơi làm việc sau khi hết dịch; do công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thay thế nhiều công việc mà con người trước đây đảm nhiệm và do nhiều nguyên nhân đặc thù ở mỗi quốc gia khác nhau...

12h09'Trao đổi thêm về phần trả lời của GS Jonathan Pincus, Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ nói “nếu Chính phủ có nhiều tiền mặt để chi thì rất dễ dàng. Nhưng vấn đề là các nước có tài khoá khó khăn như Việt Nam nhưng vẫn tìm cách chi bằng tiền mặt và chi khá nhiều. Ở đây, vấn đề đánh giá tỷ trọng, phương pháp hỗ trợ và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phải chăng không chỉ đơn thuần theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ mà phải đặt trong tổng thể các gói giải pháp, chính sách đã áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay. Tại sao tỷ lệ khách du lịch nội địa và bán lẻ vẫn tăng? Vì cầu của Việt Nam vẫn tốt, không có chuyện suy giảm cầu ở Việt Nam. Do đó nên chăng phải có đánh giá kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế áp dụng ở Việt Nam như thế nào. Đây là vấn đề về chính sách”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
Chủ tịch Quốc hội, GS. TS Vương Đình Huệ trao đổi thêm về phần trả lời của các đại biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Với phần trả lời của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về nguyên nhân khiến người lao động chưa quay trở lại làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải có cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng và xu hướng để có chính sách tới đây huy động người lao động trở lại làm việc, vì bộ phận lao động này đã từng tham gia thị trường, có kinh nghiệm, có kỹ năng, được đào tạo rồi mà không thu hút họ quay trở lại được thị trường là không nên.

12h18'Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc kết luận phiên hội thảo chuyên đề

PGS. TS Nguyễn Duy Bắc nêu rõ, qua 3 tham luận và các thảo luận tại hội thảo cho thấy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững thời gian qua. Các chính sách ban hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp tình hình trong nước cũng như bối cảnh quốc tế. Các chính sách đưa ra được tính toán cẩn trọng trong triển khai nên không ảnh hưởng đến bảo đảm kinh tế vĩ mô.

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0
Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc phát biểu

Tuy vậy, như các đại biểu đã chỉ ra, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn một số vướng mắc¸ doanh nghiệp, người lao động vẫn khó thụ hưởng. Thủ tục rườm rà làm giảm hiệu quả chính sách. Có tâm lý lo ngại, không dám thực hiện do lo sợ sai phạm. Có tình trạng cào bằng hỗ trợ, không phân biệt các vùng miền. Liều lượng chính sách hỗ trợ còn khiêm tốn, trong khi đối tượng cần hỗ trợ rất lớn…

Để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị: Cần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì chính sách hỗ trợ, bổ sung chính sách hỗ trợ mới và cần thực hiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để các chính sách đi vào cuộc sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm các cấp, ngành, không né tránh. Nhanh chóng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. 

Đặc biệt, cần chú ý nâng cao vai trò các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. 

“Các ý kiến tại hội thảo hết sức sâu sắc, tâm huyết với mong muốn, khát vọng phát triển. Chắc chắn rằng, với quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị, với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ dần phục hồi sản xuất kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững”, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc tin tưởng.

ĐBND

TỔNG THUẬT: Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động -0

#