Phiên họp thứ Mười lăm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thực hiện kiểm toán toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm

- Thứ Hai, 12/09/2022, 17:17 - Chia sẻ

Chiều 12.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Mười lăm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Thực hiện kiểm toán toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm -3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tránh tình trạng không thực hiện kết luận, kiến nghị kéo dài qua nhiều năm

Báo cáo về công tác kiểm toán năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đến ngày 31.8.2022 đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 Dự thảo Báo cáo kiểm toán; phát hành 162 Báo cáo kiểm toán; các cuộc kiểm toán kết thúc bảo đảm đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành báo cáo đúng luật định. Sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2022 của 162 Báo cáo kiểm toán đã phát hành và 6 Báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch năm 2021 sang, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.

Thực hiện kiểm toán toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm -5
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo về công tác kiểm toán năm 2022. Ảnh: Lâm Hiển

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31.8.2022, các đơn vị đã thực hiện 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước xác định: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; Hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán; phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2022 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban ơ bản nhất trí với kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2022 của ngành kiểm toán.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ 56,3% (37.924,2 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm trước (49,9%), nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Nhân sách nêu rõ, còn thấp so với yêu cầu. Do đó, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao tỷ lệ thực hiện và thu hồi tiền, tài sản vi phạm; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện các kiến nghị, kết luận. Đồng thời, có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng không thực hiện kết luận, kiến nghị kéo dài qua nhiều năm.

Thực hiện kiểm toán toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm -1
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, đa số ý kiến đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước.

Tiếp tục kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua, đặc biệt đã tham gia tích cực vào việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, kiểm toán các nguồn lực trong phòng, chống dịch, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, tổng kết việc thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán từ xa để có giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp…

Về kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội; tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách hàng năm. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước lưu ý rà soát, hoàn thiện kế hoạch kiểm toán năm 2023, như việc lựa chọn nội dung kiểm toán một số chuyên đề thay thế chuyên đề kiểm toán; cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai…

Thành Trung
#