Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã khi tham gia FTA thế hệ mới

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 16:12 - Chia sẻ

Sáng 5.8, tại trụ sở 35 Ngô Quyền - Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.

Cùng dự có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, PGS,TS. Phạm Thị Hồng Yến; lãnh đạo các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực liên quan.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Lê Hải Đường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trang
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Lê Hải Đường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường nêu rõ, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển trong thế kỷ XXI mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế. Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết gần đây và đang thực thi hiện đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nền kinh tế.

Tuy vậy, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, một vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để đánh giá được các yêu cầu, tận dụng và tranh thủ các thời cơ do các FTA tác động đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khi mà khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí rằng, về cơ bản, FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đều có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng, vì hiện nay, khu vực này cung cấp chủ yếu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, góp phần không nhỏ vào việc tăng tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện qua việc đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng trong các FTA có nhiều thiết chế đặt ra đối với các nước tham gia, đòi hỏi Việt Nam phải thực thi. Các cam kết trong các FTA thế hệ mới chủ yếu đòi hỏi các nước thành viên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan cho phù hợp với cam kết chung, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, các đại biểu kiến nghị cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách từ văn bản luật đến dưới luật để có sự đồng bộ, nhất quán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hình thành, phát triển, tham gia hội nhập quốc tế. Luật Hợp tác xã cần bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng về công nghệ số cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã.

Minh Trang
#