Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Tập trung vào 4 nội dung chính

- Thứ Bảy, 24/09/2022, 13:01 - Chia sẻ

Sáng 24.9, tiếp tục Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Tập trung vào 4 nội dung chính -2
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày và nêu rõ, nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính.

Thứ nhất, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 - 2022.

Tập trung vào 4 nội dung chính -0
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ hai, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bao gồm: Đánh giá bước đầu về khả năng hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Đánh giá về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa, thể hiện trên các phương diện sau: Mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; việc đáp ứng nội dung đổi mới của Chương trình; mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; Đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh,…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

 Đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học). Đánh giá nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hoá và hiệu quả sử dụng kinh phí. Đánh giá tiến độ, lộ trình thực hiện.

Tập trung vào 4 nội dung chính -1
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thứ ba, đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục). Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức.

Thứ tư, những bài học kinh nghiệm rút ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Hoàng Ngọc
#