Tănglương tối thiểu không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
Trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch. Dẫn điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho biết, có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1 - 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản và thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả. Ở nước ta, công nhân lao động chiếm khoảng 15% dân số, chiếm 27% lực lượng lao động nhưng có sứ mệnh lịch sử và sứ mệnh chính trị đặc biệt quan trọng và đóng góp cơ bản vào ngân sách cũng như GDP. Vì vậy, theo đại biểu, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Cũng theo ĐB Phạm Trọng Nghĩa, Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trên thực tế, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4.2022 cho thấy chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống, khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.
Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng từ ngày 1.7.2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này.
Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho rằng, người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.
Với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000 tương đương với 200 USD, so sánh với các quốc gia trong khu vực thì mức lương tối thiểu này vẫn còn thấp. Tôi lấy ví dụ Indonesia có dân số là 274 triệu thì mức lương tối thiểu tháng ở Jakarta là 323 USD, Philippines dân số 110 triệu thì mức lương tối thiểu tối thiểu là 226 USD, Thái Lan dân số 70 triệu mức lương tối thiểu là 260 USD và dự kiến sẽ tăng lên hơn 300 USD, Malaysia dân số 33 triệu thì lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn là 282 USD, ở Trung Quốc từ ngày 1.8.2021 lương tối thiểu tại thành phố Bắc Kinh nâng lên là 360 USD.
“Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế”, ĐB Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Dẫn dự báo của Standard & Poor's – một trong 3 tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín nhất thế giới đã dự báo rất khả quan về nền kinh tế Việt Nam dưới các giải pháp điều hành linh hoạt của Quốc hội và Chính phủ, dự báo là tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian dài sẽ là từ 6,5-7% từ năm 2023, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đây là dư địa, là tiền đề quan trọng cho việc nâng cao điều kiện sống cho người lao động.
Cần giao cơ quan độc lập phản biện mức sống tối thiểu của người lao động
Khẳng định công nhân lao động cũng như nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của quốc gia, để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, như quy định của Bộ luật Lao động. Nghiên cứu giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố hoặc phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học, đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, người lao động làm việc không trọn ngày là người lao động yếu thế, dễ tổn thương, ít được hưởng các phúc lợi xã hội. Dự kiến, mức lương tối thiểu giờ sẽ dao động từ 15.600 đồng đến 22.500 đồng. Đây là lần đầu tiên chúng ta có lương tối thiểu giờ, mặc dù quy định của pháp luật là đã có từ năm 2012, tuy nhiên mức lương tối thiểu giờ dự kiến là quá thấp. Do đó, đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ phải cao hơn hẳn so với mức trung bình của lương tối thiểu tháng.
Ông cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Trước đây chúng ta đã có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 ban hành theo Quyết định 579 ngày 19.4.2011 của Thủ tướng đến nay đã hết giai đoạn 2020 rồi, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết để ban hành chiến lược trong giai đoạn mới. Trong chiến lược mới này phải phát huy tối đa được thế mạnh nguồn nhân lực của chúng ta trong thời kỳ dân số vàng và chú trọng đến việc phát triển nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ mai sau, nếu không có giải pháp để phát huy tối đa lợi thế dân số vàng trong thời kỳ hiện nay”, ĐB Phạm Trọng Nghĩa nói.
Bày tỏ đồng tình với phân tích và kiến nghị của ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, ĐB Nguyễn Thị Xuân nêu rõ, tăng lường tối thiểu là vấn đề được cử tri, nhất là người lao động làm việc theo hợp đồng, người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.
Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ. Thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, đại biểu cho biết, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm. Trước năm 2020, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1.1 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7% nhưng trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
“Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 là đúng đắn và cần thiết. Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương, nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động ở lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động gắn bó, hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng lương tối thiểu kịp thời lúc người lao động đang khó khăn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”, ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.