Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Công tác đại biểu về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 18:48 - Chia sẻ

Chiều 5.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Ban Công tác đại biểu và Tổ biên tập về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp.

Tham dự cuộc họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; đại diện Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện... 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc - ảnh: Thanh Chi
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Chi

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND các cấp là nội dung được Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm; lưu ý các thành viên Tổ biên tập quan tâm tới các nội dung như: những vướng mắc trong thực tiễn trong triển khai hoạt động giám sát của HĐND, những vấn đề cần phát huy và những vấn đề cần thay đổi trong hoạt động giám sát của HĐND; đề xuất giải pháp khắc phục, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; các đề xuất phải có căn cứ, lý lẽ thuyết phục... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Tổ biên tập tổ chức các nội dung thành các nhóm vấn đề; trình bày dự thảo Nghị quyết rõ ý, chặt chẽ, cô đọng, tránh trùng lắp, không mâu thuẫn giữa các ý trong dự thảo Nghị quyết.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 272/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng “Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân”. Sau quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo đã tổ chức một số phiên họp để lấy ý kiến thành viên Ban Soạn thảo, một số chuyên gia; gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan có liên quan; gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan (Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ) cũng như Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ các ý kiến của các cơ quan Trung ương và địa phương, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. “Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đến nay đã cơ bản hoàn thiện và đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Về nguyên tắc xác định nội dung hướng dẫn của dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết, trên cơ sở nguyên tắc những nội dung mới phát sinh sẽ được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để trình Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, những nội dung đã được quy định trong Luật nhưng chưa được quy định rõ về trình tự thủ tục về hoạt động giám sát của HĐND thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hướng dẫn trong Nghị quyết. Và trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, quá trình tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương và các cơ quan hữu quan, Ban Soạn thảo còn có một số nội dung cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là việc bổ sung nội dung hướng dẫn HĐND giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 3.3.2022 của Đảng đoàn Quốc hội; việc tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các Ban của HĐND; việc xác định tính pháp lý của văn bản của Tổ đại biểu HĐND; một số quy định liên quan đến hoạt động giám sát tại địa phương thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị…

Qua xem văn bản gửi xin ý kiến, dự thảo Tờ trình, các báo cáo và nhiều ý kiến góp ý tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Ban soạn thảo và Tổ biên tập; nêu rõ dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, với những vấn đề về đổi mới nội dung, cách thức tổ chức thực hiện cần thảo luận kỹ, để khi ban hành Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục rà soát dự thảo Nghị quyết, không để sơ suất về tư liệu, hồ sơ trình, thể thức văn bản; nghiên cứu thêm Kết luận về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thanh Chi
#