Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội thảo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 13:29 - Chia sẻ

Ngày 5.8, tại TP Đà Nẵng, Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (dự thảo) chủ trì Hội thảo.

Dự thảo của Bộ Chính trị với 5 Mục 17 Điều với phạm vi áp dụng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, về kiểm soát quyền lực, dự thảo quy định về: Các hoạt động kiểm soát quyền lực; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo tổ chức; trách nhiệm của Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của cán bộ tham mưu, đề xuất; trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Về trách nhiệm trong phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, dự thảo quy định về: hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; xử lý hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Về xử lý hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm khác, dự thảo quy định các nội dung về: Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý hành vi vi phạm khác trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội thảo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội thảo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong thời gian qua, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo chỉ đạo tập trung, quyết liệt, khẩn trương, tích cực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nỗ lực cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và các ngành các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội và sự giám sát của Nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Tham nhũng đã và đang từng bước được kiềm chế, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin cho Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Các cơ quan hữu quan đã tích cực tham gia vào việc hoàn thiện thể chế; quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước; tập trung xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; xử lý nghiêm minh nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Việc phát hiện xử lý tham nhũng ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng còn thấp hơn so với số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, nhiều trường hợp sai phạm, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội thảo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật -0
Quang cảnh hội thảo

Những hạn chế nêu trên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm. Thứ hai, một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng chậm được thể chế hóa. Thứ ba, việc rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế- xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời. Thứ tư, cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực thi pháp luật nói chung và thực thi các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Thứ năm, công tác phòng, chống tiêu cực nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là những tiền đề quan trọng, liên quan mật thiết đến hành vi tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó có chủ trương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để thực hiện có hiệu quả công tác này thì cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách. Đây cũng là giải pháp được xác định rõ trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Điều hành phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết thực hiện Kết luận số 21 - KL/TW, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW ngày 26.1.2022, trong đó giao cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ “Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật".

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe, thảo luận về 10 chuyên đề: Cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; nhận diện hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực và thực trạng các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc các lĩnh vực... Thông tin tại Hội thảo là nguồn tư liệu quan trọng để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực, phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Tin và ảnh: Lưu Thảo Ly
#