Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi):

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã

- Thứ Ba, 20/09/2022, 12:25 - Chia sẻ

Sáng 20.9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã -3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững    

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục đích của dự án Luật nhằm sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật trình tại Phiên họp gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật Hợp tác xã năm 2012 gồm 9 Chương, 64 Điều), bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã -2
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, xác định vai trò nòng cốt của các hợp tác xã với các loại hình hợp tác xã, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã; mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Về Tổ hợp tác, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung quy định về nội dung này còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành hợp tác xã như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác; việc đăng ký của Tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước. 

Cần có những thống kê đánh giá kỹ lưỡng hơn

Cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình và kết quả chuẩn bị dự án Luật này của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị rất công phu trên cơ sở có thuận lợi lớn là Trung ương vừa tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế hợp tác, hợp tác xã và mới ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, so với lần trình trước, nội dung dự thảo Luật lần này đã tiến rất xa, có nhiều điểm mới, nội dung chính sách đầy đặn. Với sự chuẩn bị như vậy, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, có thể tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thảo luận đúng thời hạn. 

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã -0
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội đồng tình giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vì khái niệm hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển, các Luật ban hành năm 1996, 2003, 2012 đều lấy tên là Luật Hợp tác xã. Quốc tế có Liên minh Hợp tác xã, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có tổ chức này; khái niệm hợp tác xã đã đi sâu vào tiềm thức, bao gồm cả truyền thông và pháp luật dẫn chiếu cũng rất thuận lợi. Hơn thế, tuy tên gọi là Luật Hợp tác xã, nhưng không ngăn cản việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, ví dụ phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế bao gồm thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

Liên quan đến sự phù hợp với quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên có thống kê đánh giá kỹ lưỡng hơn, thống kê các điều khoản liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… rà soát lại tính đồng bộ giữa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính tuân thủ của hệ thống pháp luật. Về phạm vi điều chỉnh, vẫn chủ yếu tập trung cho nội hàm hợp tác xã. Riêng Tổ hợp tác hiện được quy định tại Bộ luật Dân sự và có Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10.10.2019 về Tổ hợp tác của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong dự thảo Luật có một số điểm về nguyên tắc của Tổ hợp tác và bảo đảm không trái với Bộ luật Dân sự, làm căn cứ cho Chính phủ hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.

Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên có chính sách thí điểm trước, sau đó mới xem xét việc có luật hóa hay không, vì hiện tại chưa đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn. Mô hình này vừa có tư cách pháp nhân, tổ chức kinh tế nhưng lại có tính chất như tổ chức xã hội, nghề nghiệp. 

Nên giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã -5
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng cho ý kiến về tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hình thức hợp tác xã vẫn là nòng cốt. Còn liên đoàn, liên hiệp hợp tác xã là những hình thức phái sinh từ hợp tác xã; theo định nghĩa trong Luật, mặc dù có những chế định, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhưng cũng là tổ chức phái sinh của hợp tác xã. Cùng với đó, tên gọi Luật Hợp tác xã đã rất quen thuộc và đi vào tiềm thức của người dân.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 19-KH/TW của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, chính sách ưu đãi hỗ trợ kinh tế tập thể và các nội dung khác cho phù hợp với tình hình điều kiện phát triển mới, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên của kinh tế tập thể kinh doanh hiệu quả, bền vững. Đồng thời, rà soát đánh giá tác động, phân tích kỹ căn cứ ưu, nhược điểm và hiệu quả pháp lý đối với từng tên gọi để lựa chọn tên luật phù hợp; rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để bao quát hết các loại hình kinh tế tập thể, cụ thể hơn các quy định về kinh tế hợp tác.  

Minh Trang
#