Làm rõ, có hay không trục lợi chính sách?
Cho ý kiến với chuyên đề giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại phiên họp chuyên đề sáng 23.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung đánh giá việc xây dựng khung khổ pháp lý triển khai; có hay không việc trục lợi chính sách?...

Sáng 23.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Đánh giá giữa kỳ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Trình bày dự thảo Kế hoạch và đề cương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm:
Thứ nhất là, công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia (Bao gồm cả công tác chỉ đạo điều hành chung các Chương trình; chỉ đạo, điều hành riêng từng Chương trình).
Thứ hai là, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba là, công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các Chương trình.
Thứ tư là, kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các Chương trình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cũng cho biết, giám sát chuyên đề này cần bám sát quy định các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thể chế hóa thành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát. Qua đó, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua giám sát, Quốc hội cũng xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.
Đến nay, Đoàn giám sát đã dự thảo 4 loại tài liệu gồm: Kế hoạch chi tiết Đoàn giám sát; Quyết định phân công thành viên Đoàn Giám sát; Quyết định phân công Tổ giúp việc; Đề cương báo cáo gồm 9 đề cương.

Trong các Đề cương báo cáo có 3 đề cương riêng báo của các bộ Thường trực các Chương trình gồm: Ủy ban Dân tộc báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Có 4 đề cương báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh gồm: Báo cáo chung kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo riêng kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phải yêu cầu bộ chủ trì tiểu dự án báo cáo mới có thông tin sâu
3 chương trình mục tiêu có thời gian triển khai khác nhau nhưng thời điểm giám sát chung là trong 5 năm, từ năm 2021 đến 2025. Đánh giá bước đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhìn chung việc triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm.
Nguyên nhân của triển khai chậm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là do theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia thì các cơ quan mới lập chương trình cụ thể, rồi lập Hội đồng thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình. Giai đoạn mất rất nhiều thời gian là giai đoạn hoàn thành khung khổ pháp lý để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn giám sát cần tập trung làm rõ vấn đề nêu trên, qua đó kiến nghị chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai cho không chỉ với 3 chương trình thuộc phạm vi giám sát lần này, mà từ nay chương trình mục tiêu quốc gia phải nhanh hơn, khung khổ thể chế để thực hiện các Chương trình phải nhanh hơn.

Bên cạnh các cơ quan chủ trì chính (là các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, một số Bộ ngành khác có vai trò quan trọng như các Bộ Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng. Do vậy, Đoàn giám sát cần lọc ra các tiểu đề án, tiểu dự án ở mỗi chương trình, xác định các Bộ, ngành phụ trách từng tiểu đề án, dự án đó. Thông qua yêu cầu Bộ, ngành phụ trách tiểu đề án, dự án thì mới có thông tin sâu, Bộ phụ trách tổng hợp chỉ tổng hợp thông tin, không nắm cụ thể từng tiểu đề án, dự án.
Về việc lựa chọn chuyên đề giám sát này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong quá trình triển khai chứ không phải hậu kiểm như nhiều chuyên đề giám sát khác. Tương tự như giám sát về công tác quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, giám sát giữa kỳ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ có tính thời sự, tác dụng tích cực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa thúc đẩy việc thực hiện 3 Chương trình hiệu quả hơn.
Qua theo dõi tổng thể, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình còn chậm. Trong khi đó, trước đây, khi triển khai nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia khác đều thực hiện khung khổ pháp lý triển khai trong năm cuối nhiệm kỳ trước, nên đến đầu nhiệm kỳ sau đều cơ bản hoàn tất công tác này, có thể phân bổ vốn ngay. “Việc giám sát lần này cần trả lời câu hỏi có đúng là chậm trễ hay không? Nếu có, ngoài nguyên nhân tác động khách quan do đại dịch Covid - 19 thì nguyên nhân chủ quan là gì, từ đó có giải pháp đẩy mạnh việc này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc khẩn trương tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là những gợi mở cụ thể của Chủ tịch Quốc hội, qua đó sớm hoàn thành Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo phục vụ Hội nghị toàn quốc về triển khai giám sát của Quốc hội năm 2023 ngày 27.9.2022.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tập trung chú ý một số vấn đề theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tập trung đánh giá việc xây dựng khung khổ pháp lý triển khai, vì công tác này ở cả ba chương trình đều chậm, đặc biệt là chuẩn bị đầu tư rất chậm, đòi hỏi đánh giá cho được những rủi ro, nguy cơ, qua đó xác định trọng tâm giám sát phù hợp hơn. Ngoài ra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện vừa qua có hay không việc trục lợi chính sách; quá trình huy động, sử dụng, đầu tư, giải ngân các nguồn lực thực hiện đã đáp ứng yêu cầu của người dân hay chưa; nợ đọng của các chương trình... Đồng thời, chú ý đánh giá tính thực tiễn, cách làm hay mô hình sáng tạo để nhân rộng, kể cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Xung quanh vấn đề nợ đọng của các Chương trình, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua giám sát cần làm rõ tình hình giải quyết và các kiến nghị chính sách cụ thể, rõ ràng; nêu rõ kinh nghiệm giải quyết nợ đọng ngay từ khâu điều phối các nguồn lực của chương trình hiện nay.