Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải của chính sách dân tộc

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 17:50 - Chia sẻ

Chiều 5.8, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “nghiên cứu, đồng bộ chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Hội thảo.

Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải của chính sách dân tộc -1
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu rõ, mục tiêu việc đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 nhằm thống nhất thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong việc ban hành các chính sách dân tộc. Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, kém hiệu quả của chính sách dân tộc, hệ thống hóa các chính sách dân tộc theo các lĩnh vực để tiếp tục thể chế hóa các nội dung (còn thiếu hoặc đã có nhưng chưa đầy đủ) theo Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Làm cơ sở định hướng xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc và ban hành các chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Việc xây dựng Đề án cần bảo đảm thể chế hóa toàn diện, đồng bộ, thống nhất theo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013. Phù hợp với xu thế phát triển chung, bảo đảm các quyền của đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Nhà nước bố trí nguồn lực đáp ứng theo các chính sách dân tộc đã ban hành; trước mắt tập trung vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải của chính sách dân tộc -0
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cho biết, hiện nay, một số báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành về việc thực hiện chính sách dân tộc có thống kê các văn bản về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc như: Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ, trong đó có nhiệm vụ về công tác dân tộc; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật trong đó có công tác quản lý nhà nước liên quan đến vùng dân tộc, miền núi, biên giới; Thông tư quy định chế độ báo cáo về công tác dân tộc… Các văn bản này có được xác định là văn bản quy định về chính sách dân tộc không?

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đặt vấn đề, hiện nay chúng ta vẫn lúng túng trong cách hiểu: thế nào là chính sách dân tộc. Hầu như trong các văn bản quy phạm pháp luật, cứ có chữ “dân tộc” được coi là chính sách dân tộc, nhưng thực chất, chúng ta chưa thống kê được thực chất có bao nhiêu chính sách dân tộc. Ví dụ như văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khuyến nông, khuyến công, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là chung cho cả nước, sao lại liệt kê vào chính sách dân tộc (?) Hay những điều khoản bảo đảm nguyên tắc ưu tiên, tôn trọng người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, đây thực chất là nguyên tắc chung của Hiến pháp chứ không phải là chính sách dân tộc.

Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần sớm thực hiện việc đồng bộ hóa chính sách dân tộc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc quy định trong các văn bản ban hành bảo đảm rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, rõ đối tượng. Xây dựng các chính sách dân tộc trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội; ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ. Đồng thời, cần giao các bộ, ngành xây dựng và ban hành văn bản cụ thể hóa chính sách dân tộc theo lĩnh vực phụ trách bảo đảm đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế vùng dân tộc thiểu số.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc
#