Dự luật Phòng thủ dân sự cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội

- Thứ Năm, 22/09/2022, 18:11 - Chia sẻ

Chiều 22.9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự luật Phòng thủ dân sự (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Nâng cao hiệu quả pháp luật về phòng thủ dân sự

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ thảm hoạ, sự cố dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố vừa qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp mang tính chuyển tiếp, trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp chuyển tiếp này cần được luật hoá để có cơ sở pháp lý và thực hiện thống nhất, đồng bộ. 

Dự luật Phòng thủ dân sự (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội -2
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 71 điều, với các nội dung cơ bản sau: những quy định chung; quy định các hoạt động phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự và điều khoản thi hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến phòng thủ dân sự; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội quyết định. Ngày 30.8.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng thủ dân sự với các quy định có liên quan đang được các luật chuyên ngành điều chỉnh để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng. Có ý kiến cho rằng, Luật này chỉ nên điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó với thảm họa, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc chỉ điều chỉnh đối với thảm họa; ý kiến khác cho rằng, chỉ nên điều chỉnh đối với tình huống chiến tranh và thảm họa.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh đã có tại nhiều luật chuyên ngành nên Luật Phòng thủ dân sự cần quy định những nguyên tắc, xác định những vấn đề chung, bao quát để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động phòng thủ dân sự; nghiên cứu xác định đầy đủ những quy định khác nhau giữa dự thảo Luật và các luật liên quan hoặc dẫn chiếu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể tại các luật khác.

Quy định chung nhất, có tính đặc thù về lực lượng phòng thủ dân sự

Cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật đã được chỉnh lý nhiều nội dung, thể chế hóa được quan điểm của Đảng, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy còn những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư.

Dự luật Phòng thủ dân sự (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội -1
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Góp ý về quy định liên quan đến cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu để làm “đầy đặn” thêm nội dung này. Trong đó, cần tiếp tục làm rõ thêm sự cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia và các cấp theo hướng nào, có nên tổ chức lại hay hợp nhất Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia về ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn? “Nên chăng nghiên cứu thêm việc vẫn giữ những nhánh này nhưng có một ban chỉ đạo nằm trong tổng thể của thiết chế chỉ huy và không làm mất các nhánh chỉ đạo về phòng, chống dịch, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…?", Chủ tịch Quốc hội gợi mở. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần luật hoá cách thức, cơ chế điều động lực lượng, chỉ huy, kế hoạch tác chiến, chế hoạch hành động đối với lực lượng phòng thủ dân sự. Dự thảo Luật vẫn còn thiếu vắng các quy định về đầu tư trang thiết bị cho những lực lượng chuyên trách. Do đó, cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, dự thảo Luật này cần quy định chung nhất, có tính đặc thù về lực lượng phòng thủ dân sự mà các luật khác chưa quy định; luật hóa những hoạt động thực tiễn thời gian qua nhưng chưa được quy định trong các luật khác; về áp dụng pháp luật, ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Trong đó, cần làm rõ một số nội dung như: về hồ sơ dự án Luật, cần bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và quy định cụ thể được bổ sung trong dự thảo mới, nhất là những nội dung về tổ chức, nguồn lực, kinh phí, ngân sách…; tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm thể chế đầy đủ Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, chuẩn hóa nguyên tắc phòng thủ dân sự, làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với các luật chuyên ngành; thống nhất nội dung dự thảo Luật với quy định về phòng thủ dân sự tại Điều 13 Luật Quốc phòng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan; làm rõ các quy định về thảm họa, các dạng thảm hoạ, đánh giá mức độ rủi ro thảm hoạ sự cố, các cấp độ ban bố phòng thủ dân sự và cấp có thẩm quyền ban bố phòng thủ dân sự để không chồng chéo với các luật khác, bảo đảm tính khả thi.

Thanh Chi
#