Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết: Thành đoàn có Văn phòng cơ quan Thành đoàn và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, gồm: Trường Lê Duẩn, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Cung Thanh niên Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh niên Hà Nội. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn đều thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định 43/2007/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ khi triển khai thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các đơn vị của Thành đoàn đã chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trên cơ sở định mức của nhà nước, tình hình thực tế và được sự thống nhất của tập thể cán bộ, công nhân viên chức. Các đơn vị đã thực hiện việc bố trí sắp xếp, phân công lực lượng lao động hợp lý, phát huy được khả năng, tinh thần trách nhiệm của mỗi người và đạt hiệu quả cao.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ năm 2018 Thành đoàn đã tiến hành rà soát và sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại cơ quan giảm từ 11 phòng, ban còn 7 ban. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc giảm từ 8 đơn vị xuống 5 đơn vị. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đủ điều kiện thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP là 10 người.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Mặc dù không ban hành chuyên đề nhưng Thành đoàn đã có sự lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các chương trình của thành phố bằng các chương trình đặc thù. Đáng lưu ý, Thành đoàn đã thực hiện sắp xếp đơn vị phòng, ban, tăng số lượng đơn vị tự chủ. Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Thành đoàn đã có 3/5 đơn vị tự chủ 100%, tiết kiệm hơn 29 tỷ đồng chi thường xuyên.
Ghi nhận những đặc thù riêng của tổ chức chính trị - xã hội, những khó khăn riêng, bà Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao việc Thành đoàn đã linh động thực hiện xã hội hóa các hoạt động của mình, hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ, chức năng trong thu hút, tập hợp, đoàn kết thanh niên.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị, thời gian tới Thành đoàn Hà Nội khẩn trương ban hành chương trình chuyên biệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, khẩn trương xây dựng chương trình riêng cho năm 2022 và ban hành rộng rãi để làm căn cứ đánh giá và xây dựng chỉ tiêu cụ thể. Cùng với đó, Thành đoàn cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đoàn viên, thanh niên; chú trọng công tác tự kiểm tra, phát huy vai trò giám sát trong thực hiện nội dung này và bổ sung vào kế hoạch hằng năm.