Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, Sở Nội vụ đã chủ động bám sát các quy định, chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy triển khai thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 16 đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm đúng theo quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và lộ trình. Sau sắp xếp đã giảm được 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 9 đơn vị hành chính cấp xã.
Sở cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh khẩn trương ban hành, giải quyết các chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ CBCCVC, người lao động và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chịu tác động do sắp xếp lại đơn vị hành chính; phối hợp với các địa phương triển khai đo đạc, cắm mốc, xác định địa giới hành chính trên thực địa; lập hồ sơ, bản đồ hành chính của các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp để phục vụ công tác quản lý địa giới hành chính; đồng thời, thường xuyên khảo sát, nắm tình hình tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp để theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận, đánh giá cao Sở Nội vụ đã làm tốt vai trò cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác rà soát, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho đội ngũ CBCCVC, người lao động dôi dư sau sắp xếp, không bỏ quên, bỏ lọt đối tượng; tiếp tục tham mưu, xây dựng phương án xử lý, quản lý tài sản công sau sắp xếp; thường xuyên rà soát đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ và chủ động tham mưu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân…
Tại Hạ Long, báo cáo của thành phố cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14, ngày 17.12.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 1.2020, huyện Hoành Bồ chính thức sáp nhập địa giới hành chính vào thành phố. Sau sáp nhập, thành phố quyết định giữ nguyên toàn bộ 33 đơn vị hành chính cấp xã của hai địa phương trước sáp nhập; tiến hành nâng cấp thị trấn Trới thành phường Hoành Bồ để phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, sắp xếp giảm được 44 đầu mối cơ quan, đơn vị. Sau sắp xếp, các phòng, ban chuyên môn của thành phố hoạt động ổn định, nề nếp. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ về tài chính. Biên chế tiếp tục được kiện toàn, bố trí đầy đủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm đối với từng cơ quan, đơn vị. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong 2 năm 2020 - 2021 đều tăng cao so với thời điểm trước khi sáp nhập.
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, việc sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long đã tạo ra động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị, TP. Hạ Long tiếp tục rà soát, giải quyết triệt để chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư; tiếp tục quan tâm động viên tư tưởng, tinh thần của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người dân ở các khu vực vùng cao, xa; đẩy mạnh quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; có phương án giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, đảm bảo nhanh gọn, minh bạch, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu ban hành các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.