Sáng 17.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014r/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát - chủ trì buổi làm việc.
Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh là trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, đang tham gia tích cực vào việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, trong đó có biên soạn sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Phó Hiệu trưởng nhà trường Huỳnh Văn Sơn cho biết, ngay khi Quốc hội chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, Nhà xuất bản của trường đã chuẩn bị về tinh thần, vật chất và các điều kiện cần thiết.
Cụ thể, chuẩn bị về nhân lực tác giả, biên tập viên, lực lượng thẩm định SGK; tiền vốn và xác định rõ các nguồn huy động vốn (ngân hàng, tổ chức, cá nhân...) để tổ chức biên soạn SGK. Tổ chức xuất bản nhiều bản thảo sách tham khảo được sử dụng như SGK (sách Tiếng Anh, sách Tin học...) và nhiều bộ sách tham khảo khác. Thực hiện thủ tục đề nghị bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa cho nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và tháng 2.2018, Nhà xuất bản đã được Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung chức năng này.
Với SGK, 100% bản mẫu lớp 1 của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh trình thẩm định đạt yêu cầu và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt là SGK cho các năm học từ 2020 - 2021 trở đi, gồm 7 đầu sách: Tiếng Việt 1 - Tập 1 và 2, Đạo đức 1, Hoạt động trải nghiệm 1, Âm nhạc 1, Tiếng Anh 1. Số SGK trên được lựa chọn trên cả 63 tỉnh, thành phố với số lượng khác nhau. Nhà xuất bản đang hoàn thiện bản thảo, hồ sơ thẩm định cho sách lớp 2 và 6 để kịp trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo quy định.
Về xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức đánh giá các ngành học, từ đó có điều chỉnh để vừa đáp ứng thực tiễn giáo dục phổ thông vừa đón đầu sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông. Cũng nhờ đó, trường có sự chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các môn học: Giáo dục thể chất, Sư phạm công nghệ, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân, Một số nội dung giáo dục, hoạt động giáo dục (hướng nghiệp, trải nghiệm, STEM, thông minh, nội dung giáo dục địa phương).
Trường cũng đã và đang tham gia thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà cho 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam theo phân công của ETEP Trung ương; xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng chuẩn bị cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kiến nghị với Đoàn giám sát, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ và tăng cường đầu tư nguồn lực cho các trường sư phạm để chủ động bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho dạy học qua mạng. Có những nghiên cứu khoa học về đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến và sớm ban hành các văn bản liên quan đến đào tạo trực tuyến để bảo đảm chất lượng.
Nhà trường cũng kiến nghị, cần khẳng định việc có nhiều SGK đối với một môn học là cần thiết và quan trọng. Từ đó một mặt đầu tư cho các trường đại học có nhà xuất bản đang biên soạn, xuất bản SGK để góp phần phát triển bền vững, lâu dài; mặt khác, có biện pháp để giải quyết các khó khăn phát sinh trong thực tiễn.
Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm và có kết quả của giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong việc tham gia biên soạn chương trình, SGK và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, từ đó tạo niềm tin vào quá trình đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông theo các nghị quyết của Quốc hội.
Qua nghe báo cáo, việc tập huấn đội ngũ giáo viên được tổ chức tương đối bài bản. Tuy nhiên, vì giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1, là dạy người, nên nhiều ý kiến băn khoăn về việc đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, cần có đánh giá hiệu quả một cách nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Đoàn giám sát cũng mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình đổi mới giáo dục để góp phần đào tạo ra những con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới.