Đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhấn mạnh điều này, thảo luận trực truyến từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, ĐBQH Hà Sỹ Huân ghi nhận, qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nên đại biểu nhất trí việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về tác giả, đồng tác giả, dự thảo Luật quy định “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”. Theo đại biểu Huân, quy định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật là hợp lý; còn đối với khoa học thì không thể dùng với thuật ngữ sáng tạo mà phải là nghiên cứu. Do đó cần định nghĩa rõ hơn nội dung này.
Về quyền nhân thân, quyền tài sản, dự thảo Luật chưa quy định rõ, cụ thể việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả. Do tác phẩm đồng tác giả là một tác phẩm chung không thể khai thác riêng lẻ theo từng phần nên quyền tác giả đối với tác phẩm đó là của chung các đồng tác giả. Việc thực hiện các quyền nhân thân hay tài sản của mỗi đồng tác giả sẽ liên quan hay bị ràng buộc với các đồng tác giả khác. Để có căn cứ cụ thể cho việc áp dụng, theo đại biểu Huân, dự thảo Luật cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tại khoản 36 Điều 1 dự thảo Luật, đại biểu Huân nhất trí với phương án 1 và cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo được động lực khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ sở hữu công nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đó; vẫn đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghiệp có sử dụng ngân sách. Đồng thời thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, tại điểm g khoản 42 Điều 1, đại biểu Huân đề nghị bổ sung cụ thể hình thức tuyên bố của chủ văn bằng (bằng văn bản hay hình thức khác) về hủy bỏ quyền đối với trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề nghị lựa chọn phương án 1: Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án này đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật và không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền SHTT của các chủ thể có quyền SHTT. Đồng thời giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và phù hợp với định hướng “tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về SHTT” đã được đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cũng như thực tiễn của các nước trên thế giới.