Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19:

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Sớm ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

- Thứ Hai, 08/11/2021, 16:09 - Chia sẻ
Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là năm đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư diễn ra ở nhiều địa phương, đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã làm gián đoạn sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đứng trước khó khăn chồng chất, chúng ta tiếp tục chứng kiến một đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, sự chủ động linh hoạt và thích ứng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với cách điều hành quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, mọi tầng lớp Nhân dân đã giúp đất nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Để đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch như Nghị quyết số 128/NQ-CP với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ về an sinh - xã hội; tập trung tìm kiếm, mua, kêu gọi tài trợ và tiêm vaccine, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ vaccine trong cả nước, với quyết tâm thực hiện phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Đây là những quyết sách đúng đắn, là nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân chưa đạt được so với chỉ tiêu, Nghị quyết đề ra. Còn 4/12 chỉ tiêu không đạt. Công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, một số nơi còn có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm nên chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng lớn người lao động mất việc làm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Cử tri và Nhân dân rất lo lắng việc nhiều người trở về từ các vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ là nguy cơ của làn sóng dịch lần thứ 5.

Đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước tham dự Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Quang Khánh

Để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 trong khi sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, tôi đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ sau:

Một là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian thực hiện đến hết năm 2024.

Hai là, qua tiếp xúc cử tri, Nhân dân mong muốn và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành kịp thời hoàn thành các thủ tục hành chính để phân bổ nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022.

Ba là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo về rừng, thủ tục đầu tư… trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương. Cụ thể với trường hợp của tỉnh Hòa Bình, thủ tục trả lại hồ Đầm Bài cho địa phương để khai thác làm hồ thủy lợi theo đúng mục đích khi xây dựng hồ và áp dụng các biện pháp để bảo đảm tuyệt đối an toàn nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà, đã được tỉnh và nhà đầu tư báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, nhưng thời gian kéo dài cả nhiệm kỳ khóa XII đến nay vẫn chưa xong. Sớm phân cấp cho địa phương được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch phân khu trong quy hoạch đô thị.

Bốn là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành thêm cơ chế, chính sách để thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó trọng tâm là: thí điểm các giải pháp, chính sách để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số theo hướng khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu 3 tỷ đồng/năm trở xuống được lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 2-3% tính trên doanh thu cả năm.

Năm là, để sớm thông tuyến Cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La giai đoạn 2021- 2025, cử tri và Nhân dân khu vực Tây Bắc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nguồn vốn đầu tư công để triển khai, đoạn còn lại là Hòa Bình - Mộc Châu (km19 - km54) trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm góp phần thúc đẩy và phục hồi kinh tế vùng Tây Bắc sau đại dịch.

Quang Khánh