Cử tri mong các chính sách bám sát và phù hợp thực tiễn hơn

- Thứ Sáu, 24/06/2022, 17:35 - Chia sẻ

Cử tri huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) đề nghị, các chính sách an sinh được thiết kế để phục vụ Nhân dân, nên cần phải sát hơn, phù hợp hơn cho nhiều đối tượng, nhất là người nghèo, người yếu thế…

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy giải đáp kiến nghị của cử tri huyện Tuy Phong. Ảnh: Đức Kiên

Cụ thể, những nội dung chính cử tri huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình gửi đến Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và ĐBQH Bố Thị Xuân Linh tại buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong các ngày 23-24.6 gồm: Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo; đất ở, đất sản xuất; ô nhiễm môi trường; buôn bán quân trang, quân dụng; chất lượng các công trình đầu tư công; chất lượng giám sát của Quốc hội, HĐND; việc tăng giá xăng dầu liên tục và đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức, tham nhũng tràn lan của một số cán bộ đảng viên... 

Đánh giá cao quyết đáp của Quốc hội

Báo cáo với cử tri, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh báo cáo cử tri xã Phan Dũng kết quả kỳ họp. Ảnh: Đức Kiên.

Bên cạnh các chương trình chính thức của Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh còn có các hoạt động riêng nhằm xúc tiến, kết nối thương mại cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Khảo sát mô hình xử lý tro xỉ và tìm hiểu các công nghệ xử lý tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện.

Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đã có 2.138 lượt ĐBQH phát biểu, tranh luận. Tại 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã có 133 lượt đại biểu - thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án Luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
Các ĐBQH trao đổi với cử tri xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong. Ảnh: Đức Kiên

Kết quả của Kỳ họp thứ Ba được các cử tri huyện Tuy Phong và Bắc Bình đánh giá cao. Cử tri nhận thấy, các nội dung chương trình tại Kỳ họp được đều là những vấn đề thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng trong hồi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 cũng như gắn chặt với cuộc sống dân sinh.

Đặc biệt, sự dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các ĐBQH tại các phiên chất vấn đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của cử tri. Cử tri cho rằng, các ĐBQH đã nêu câu hỏi với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng để làm rõ vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Các Bộ trưởng được chất vấn đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, không né tránh.

Kết quả của Kỳ họp khẳng định những bức xúc, tồn tại của Nhân dân đã được các đại biểu, lãnh đạo các cấp, ngành lắng nghe và kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này cũng cho thấy, một Quốc hội không ngừng đổi mới, trí tuệ, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.

Băn khoăn một số chính sách an sinh

Tại 4 buổi tiếp xúc, ngoài các vấn đề về quyền sử dụng đất đai, tách thửa… cử tri các huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã có nhiều kiến nghị liên quan đến sự bất cập của các chính sách an sinh.

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
Cử tri Nguyễn Hữu Thuật, xã Sông Lũy phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Liên quan đến Quyết định 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025  của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Dân tộc, nhiều cử tri bày tỏ sự băn khoăn và chưa đồng tình ở một số điểm. Đơn cử, cử tri xã Phan Dũng, xã vùng cao với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng, qua một năm thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, cụ thể là nội dung về tiêu chí công nhận hộ nghèo, mức đóng, thời gian đóng BHXHTN, BHYT đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho đồng bào và không khuyến khích được bà con tham gia.

Triển khai Quyết định 861/QĐ-TTg, Phan Dũng từ xã vùng III đã chuyển xuống vùng I, có phần đột ngột cho Nhân dân. Bởi lẽ, đồng bào Phan Dũng chủ yếu làm lúa, chăn nuôi đơn thuần và tham gia bảo vệ rừng, thu nhập thấp, không ổn định. Cộng thêm, gần đây giá xăng dầu tăng liên tục, dẫn tới giá cả các mặt hàng như phân bón, giống cây, con tăng cao trong khi giá thành sản phẩm làm ra lại thấp, không đủ để bà con nâng cao thu nhập, bước ra khỏi sự nghèo nàn và lại tái nghèo.

Những tồn tại của chính sách BHXNTN, BHYT cũng được cử tri Thị trấn Lương Sơn, xã Song Bình của huyện Bắc Bình phản ánh. Cử tri Tạ Khánh Dương của thị trấn Lương Sơn cho rằng, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để phục vụ Nhân dân để khuyến khích bà con tham gia BHYT. Riêng đối với BHXHTN, bà Dương cho rằng, phần lớn những người tham gia BHXHTN là những người không có hợp đồng lao động, việc làm không ổn định và không có lương cố định. Tuy nhiên, mức đóng BHXHTN, BHYT lại tăng khi lương tăng; thời gian đóng lại quy định cứng nhắc, không tuân theo quy tắc đóng hưởng…"Vấn đề mức đóng, thời gian đóng không sớm điều chỉnh, người nghèo sẽ khó tham gia và rất thiệt thòi" - bà Tạ Khánh Dương nói.

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
Cử tri xã Phan Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Kiên

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cử tri hai huyện Tuy Phong, Bắc Bình cho biết, bà con tin tưởng vào tinh thần cũng như sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, để kiểm soát và giảm thiểu tối đa tình trạng tham nhũng, lãng phí, cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm đến chất lượng hoạt động giám sát. Việc giám sát không chỉ giám sát tối cao mà cần có thêm các hoạt động giám sát chuyên đề nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đầu tư công… để đánh giá thực chất hơn nữa các quyết sách của Quốc hội được thực thi trong thực tiễn như thế nào, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cụ thể kiềm chế lạm phát; bình ổn giá xăng dầu, giá vàng trong nước, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định đời sống Nhân dân, nhất là người dân lao động trực tiếp.

Tại 4 buổi tiếp xúc, cử tri hai huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã gửi đến Đoàn ĐBQH 36 lượt ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai và các chính sách BHYT, BHXHTN... Các ý kiến thuộc thầm quyền huyện, xã đã được đại diện lãnh đạo chính quyền các xã, huyện trả lời tại buổi tiếp xúc. Các ý kiến khác được Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi, tiếp thu đầy đủ.

Địa phương năng đối thoại với Nhân dân

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Chủ nhiệm Lê Quang Huy trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng, thiết thực, trách nhiệm và sâu sắc của cử tri ở nhiều vấn đề, từ cụ thể đến chiến lược của địa phương và đất nước. Ông Lê Quang Huy khẳng định, các kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp và phân loại báo cáo với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Đồng tình với các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đó có các nội dung liên quan đến chính sách BHXHTN, BHYT, tiêu chí xác định hộ nghèo, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhận định, thực tế qua một năm triển khai 861/QĐ-TTg; Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc chưa sát với thực tế và có độ "chênh'' giữa các chế định; chưa bảo đảm nguyên tắc đóng hưởng. Vấn đề này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu toàn bộ.

"Với tư cách là đại biểu tôi sẽ có ý kiến cá nhân với các cơ quan, Chính phủ và Quốc hội vì vấn đề này liên quan đến các nghị định về nông thôn mới, giảm nghèo nên cần xem xét một cách tổng thể'' - Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Chính sách cần sát hơn, phù hợp hơn
Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri 2 xã Sông Lũy, Bình Tân. Ảnh: Đức Kiên

Chia sẻ với bà con cử tri về giá cả leo thang, nhất là giá xăng dầu tăng liên tục, Chủ nhiệm Lê Quang Huy mong muốn bà con cũng chia sẻ với Chính phủ bởi giá cả xăng dầu ở Việt Nam phụ thuộc vào thị trường thế giới, đặc biệt xung đột Nga - Ucraina là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng. Cùng với đó, giá xăng dầu của Việt Nam đang chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp thu và kiến nghị Quốc hội sớm xem xét điều chỉnh giảm một số loại thuế.

Trả lời về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng đây là công việc đòi hỏi phải làm một cách nghiêm túc, kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và hết sức thuyết phục. Mong bà con hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Một vấn đề quan trọng khác mà Chủ nhiệm Lê Quang Huy muốn nhắn nhủ tới hệ thống cấp ủy, chính quyền hai huyện nhất là cấp thôn, xã là phải năng tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; nắm chắc tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời những bất cập, vướng mắc, tránh để bức xúc gia tăng và lan rộng.

Thái Bình
#