Phiên họp thứ Mười bốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Công tác dân nguyện của Quốc hội đem lại tác dụng lớn

- Thứ Ba, 09/08/2022, 18:05 - Chia sẻ

Chiều 9.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.2022.

Công tác dân nguyện của Quốc hội đem lại tác dụng lớn -0
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.2022, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình cho biết, cử tri hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và kỳ vọng chất lượng công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật… Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự đau xót trước hi sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Công tác dân nguyện của Quốc hội đem lại tác dụng lớn -0
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình phát biểu. Nguồn: quochoi.vn

Về kết quả tiếp nhận, xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri, trong tháng, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Ba của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.029 kiến nghị của cử tri. Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Ba còn 1.405 kiến nghị (chiếm 87,2%) chưa được trả lời, chủ yếu là ở một số Bộ có nhiều kiến nghị cử tri gửi đến.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong tháng 7.2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6.2022. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 318 lượt với 1.116 công dân đến trình bày về 313 vụ việc, giảm 139 lượt với 395 công dân.

Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 546 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 428 vụ việc và có 10 lượt đoàn đông người (so với tháng 6.2022, tăng 134 lượt người về 85 vụ việc, giảm 6 lượt đoàn đông người). Về việc tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan nhận được 1.676 đơn thư  (so với tháng 6.2022, giảm 867 đơn).

Qua thực hiện công tác dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, công tác phối hợp tiếp công dân của một số cơ quan còn nhiều hạn chế, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu dừng lại ở việc giải thích, hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Cơ bản tán thành với báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo đã thể hiện tính khái quát cao, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, đã có sự tổng hợp qua nắm bắt thông tin từ Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, phản ánh qua dư luận, các cơ quan thông tin truyền thông.

Công tác dân nguyện của Quốc hội đem lại tác dụng lớn -0
Quang cảnh Phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, điểm nhấn của báo cáo tháng này là có 5 việc trên cơ sở ý kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ và các cơ quan chức năng đã xử lý rất rốt ráo, rất tốt, như liên quan đến môn lịch sử, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh; tình hình tội phạm, tin xấu, độc có liên quan đến không gian mạng… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác dân nguyện đã giải quyết được các vụ việc, đem lại tác dụng lớn.

Về hoạt động giám sát khiếu nại, tố cáo của công dân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, có sự chuyển biến nhưng cần lưu ý. Đó là, Chủ tịch UBND các cấp phải thực sự quan tâm tới công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nếu địa phương nào có người dân khiếu kiện thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, không xem việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của địa phương mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là công tác phối hợp giữa các ngành ở địa phương…

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới linh hoạt phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri để phản ánh toàn diện hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, đặc biệt là giải quyết kiến nghị, phản ánh; tăng cường giám sát, đôn đốc các vụ việc cụ thể, nổi cộm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng công dân tụ tập đông người, gây mất trật tự xã hội tại một số khu vực…

T. Thành
#