Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”:

Bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng

- Thứ Bảy, 24/09/2022, 11:56 - Chia sẻ

Cho ý kiến với chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chuyên đề giám sát cần tập trung làm rõ một số vấn đề lớn như: bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào? Chính sách phát triển năng lượng, thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng; chính sách huy động, quản lý các nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong phát triển năng lượng… Quan trọng là phải bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng.

Bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng -3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng 24.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về phát triển năng lượng

Dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi trình bày, nêu rõ mục đích của cuộc giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng -1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi trình bày dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề. Ảnh: Hồ Long

Yêu cầu phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng. Tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; kế thừa tối đa các kết quả hoạt động của các cơ quan có liên quan; đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp; xác định cụ thể Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để thực hiện giám sát chuyên sâu bảo đảm mục đích yêu cầu giám sát. Phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo, phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan). 

Đối tượng giám sát được xác định là Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển hài hòa thay vì tập trung vào một số lĩnh vực

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổ giúp việc Đoàn giám sát, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương đình Huệ lưu ý, Đoàn giám sát phải tập trung vào một số vấn đề như: bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào? Có cần xem xét điều chỉnh chính sách hay không, vì mỗi thời kỳ đều có “sứ mệnh riêng”. Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường - câu chuyện này cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức rất lớn, phải làm sao tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, từ vốn, khoa học công nghệ, cân bằng chi phí… Chính sách phát triển năng lượng, thu hút đầu tư trong phát triển năng lượng (trong đó có cả vấn đề giá và phí); Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng (trong đó có quy hoạch điện VII, quy hoạch điện VIII…); Chính sách huy động, quản lý các nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong phát triển năng lượng; chính sách tiết kiệm năng lượng kể cả trong sản xuất và trong tiêu dùng; vấn đề thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách mua bán điện trực tiếp còn đang vướng mắc… “Quan trọng là vừa bảo đảm an ninh và tính bền vững trong phát triển năng lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng -2
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế, bao gồm nhiều ngành kinh tế lớn, như điện, than, dầu nên cần phát triển hài hòa, chứ không nên tập trung vào một lĩnh vực. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quá trình giám sát đã tập trung vào một số vấn đề đang được dư luận rất quan tâm, ví dụ như chính sách đối với ngành than còn nhiều bất cập, giá tăng cao so với thế giới, do đó cần có điều hành chính sách xuất, nhập khẩu mặt hàng này như thế nào cho phù hợp.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề .

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát cần xác định rõ mục tiêu và trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát để hoàn thiện kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, lựa chọn đối tượng giám sát, tổ chức khảo sát, làm việc, triển khai giám sát, bố trí lực lượng làm việc với các bộ, ngành, địa phương phù hợp, không hình thức, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của các bộ ngành, địa phương; huy động HĐND các địa phương phối hợp với Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát tại địa phương, khuyến khích, nhưng không bắt buộc HĐND tỉnh thực hiện giám sát và có báo cáo giám sát riêng; lưu ý điều phối để tránh nhiều đoàn giám sát xuống cùng một địa phương (bám sát thực tế và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện).

Bảo đảm an ninh, tính bền vững trong phát triển năng lượng -4
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung lớn cần làm rõ, như: Rà soát, đánh giá và có ý kiến cụ thể về việc triển khai các căn cứ để phát triển năng lượng như thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước vào các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến phát triển năng lượng; ban hành các văn bản hướng dẫn; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng ở các bộ, ngành, địa phương.  Xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm đối với kết quả đạt được và bất cập, hạn chế để đánh giá tổng thể việc ban hành, thực hiện chính sách và có kiến nghị cụ thể về hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện;  đánh giá kỹ và kiến nghị cụ thể về tổ chức quản lý nhà nước, phân công, phân nhiệm về quản lý năng lượng cho phù hợp.

Liên quan đến nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục xem xét, rà soát bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho hoạt động giám sát. Đoàn giám sát lựa chọn một số nội dung quan trọng để tổ chức Hội thảo chuyên gia, Hội thảo khoa học để làm rõ thêm một số vấn đề.

Đoàn giám sát tiếp tục rà soát sự phù hợp của các Đề cương báo cáo tương ứng với từng đối tượng giám sát; do đặc thù về quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng nên ngoài những vấn đề chung thì nội dung yêu cầu Bộ, ngành, địa phương báo cáo phải tách biệt rõ những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của từng Bộ ngành, địa phương. Nội dung làm việc với từng bộ, ngành, địa phương phải cụ thể, phù hợp và là những vấn đề nổi bật, cần thu thập tình hình, thông tin gắn với từng bộ, ngành, địa phương; lựa chọn các bộ ngành, doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất, tiêu dùng năng lượng, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, FDI có các dự án năng lượng lớn để thực hiện giám sát.

Đoàn giám sát tập trung nghiên cứu, đánh giá và có kiến nghị về chính sách chuyển đổi năng lượng, cơ chế đầu tư, kinh doanh phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự trữ, dự phòng năng lượng, bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả năng lượng. Những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh năng lượng và các cam kết quốc tế hiện nay về vấn đề năng lượng trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh năng lượng bền vững phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam và tập trung tận dụng năng lượng, hạn chế rủi ro.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 9.2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại toàn bộ mốc thời gian trong kế hoạch để bảo đảm tương thích, phù hợp, kịp tiến độ.

Hoàng Ngọc
#