Các ĐBQH tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân… trong công tác phòng chống tội phậm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ lo lắng về sự gia tăng của một số hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
ĐBQH Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở một số nơi có diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Các nạn nhân bị xâm hại thường là các bé gái có độ tuổi từ 3 đến dưới 15 tuổi, là những người chưa tiếp cận kiến thức về giới tính và chưa được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Điều đáng quan tâm là, có những vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là người thân thích với nạn nhân. Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề cả về thể chất và tinh thần của nạn nhân. ĐB Bạch Thị Hương Thủy cảnh báo điều đáng lo ngại là, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em còn là sự báo động về tình trạng suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong dư luận xã hội, coi thường pháp luật cũng như tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Toàn cảnh phiên họp sáng 7.11 |
Ảnh: Lâm Hiển |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng này. Từ nghiên cứu đặc điểm tội phạm xảy ra tại địa bàn các tỉnh miền núi, ĐB Bạch Thị Hương Thủy cho biết, các đối tượng phạm tội thường có xu hướng lệch lạc về lối sống, đạo đức, nhiễm các tật xấu như sử dụng rượu, bia dẫn đến bột phát không làm chủ được bản thân và tìm đến các nạn nhân là trẻ em để thỏa mãn thú tính của mình. Ngoài ra, cũng do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và thiếu hiểu biết về pháp luật cùng với phong tục, tập quán còn lạc hậu. Bên cạnh đó, một số trường hợp thiếu kiến thức về sự dạy dỗ và chăm sóc con cái, đặc biệt là những kiến thức giúp trẻ tự bảo vệ bản thân mình. Trong khi đó, vẫn còn tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti của các nạn nhân, của các thành viên trong gia đình nên khi bị xâm hại thì nạn nhân và gia đình thường không dám chia sẻ và không tố giác tội phạm. Đây chính là một trong những lý do khiến công tác điều tra, xét xử các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn.
Để tạo chuyển biến trong công tác phòng chống loại tội phạm này, ĐB Bạch Thị Hương Thủy đề nghị, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, hình thành mạng lưới các nhân tố tích cực trong công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại. Cùng với đó, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái.
Ở một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, phải có trình tự thủ tục đặc biệt trong điều tra xâm phạm tình dục trẻ em. Phải xem các vụ việc này là đối tượng áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt. Phải có điều tra viên, hoặc tổ chức điều tra đặc biệt am hiểu chuyên môn về các vụ việc này; đồng thời, cần có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý vào quá trình điều tra để bảo đảm vừa xử lý nghiêm minh tội phạm nhưng cũng hạn chế thấp nhất những sang chấn tâm lý đối với nạn nhân.