Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường:

Xác định rõ nội hàm để xây dựng "Quốc hội điện tử" hiệu quả

- Thứ Tư, 13/04/2022, 11:57 - Chia sẻ
Sáng 13.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử đã chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử phát biểu

Ảnh: Hồ Long 

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) xác định Quốc hội/nghị viện điện tử là Quốc hội/nghị viện áp dụng công nghệ, kiến thức và các tiêu chuẩn trong quy trình làm việc để mang lại giá trị hợp tác, hòa nhập, tham gia và cởi mở với người dân. Để hình thành Quốc hội điện tử cần có 5 điều kiện bảo đảm gồm: hạ tầng công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu; các ứng dụng phục vụ cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội và người dân; các ứng dụng tương tác với công chúng, người dân.

“Khái niệm "Quốc hội điện tử" đã được chúng ta sử dụng trong thực tế thời gian qua. Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu, làm rõ nội hàm của khái niệm này, từ đó xác định rõ xây dựng Quốc hội điện tử gồm các nhiệm vụ gì, cách thức triển khai cụ thể như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo 

 Ảnh: Hồ Long 

Đối chiếu với 5 điều kiện bảo đảm sự vận hành của Quốc hội điện tử đã nêu ở trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, về hạ tầng thông tin, hiện nay chúng ta đã hoàn thiện được một số hạng mục công việc, song một số hạng mục khác vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện. Về cơ sở dữ liệu, cần chú ý hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tạo ra trong quá trình hoạt động của Quốc hội và Cơ sở dữ liệu phục vụ tri thức, kiến thức cho đại biểu Quốc hội. 

Về các ứng dụng phục vụ cho đại biểu Quốc hội, dựa trên mô hình Quốc hội điện tử của Hàn Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận thấy, cần xây dựng các ứng dụng về dự thảo luật, theo dõi trực tiếp các phiên họp, thư viện Quốc hội, ngân sách nghị viện, cũng như ứng dụng của cơ quan nghiên cứu lập pháp. Với các ứng dụng cho người dân, cần xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin về đại biểu Quốc hội, truyền hình Quốc hội, tham quan Nhà quốc hội (tham quan ảo và đăng ký tham quan thực tế). Về các ứng dụng tương tác, xây dựng các ứng dụng cung cấp thông tin và tương tác với công chúng cũng là công việc phải triển khai tích cực trong thời gian tới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tập trung đánh giá, phân tích các công việc đã triển khai thực hiện, chưa thực hiện; xác định các công việc cần triển khai thực hiện trong thời gian tới… qua đó, xây dựng một kế hoạch tổng thể, toàn diện để triển khai hiệu quả Quốc hội điện tử.  

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại các cơ quan của Quốc hội vừa qua đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác và trao đổi thông tin phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng đánh giá những công việc đã triển khai trong thời gian qua; phân tích, chỉ ra những yếu tố cần được làm rõ hơn nữa trong triển khai xây dựng mô hình Quốc hội điện tử; đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai một số khâu trong thực hiện Quốc hội điện tử, nhất là vận hành website lấy ý kiến các dự thảo luật…

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng Chiến lược xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử, trên cơ sở phát triển từ Đề án xây dựng và thực hiện Quốc hội điện tử, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia có mô hình hiệu quả; sau đó, trình Quốc hội xem xét, thông qua bằng một nghị quyết. Đồng thời, đơn vị tham mưu, giúp việc trực tiếp cho Ban Chỉ đạo cần xây dựng dự thảo văn bản phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo… để lấy ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo trước khi ký ban hành.

Kết luận cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giao Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc, đặt hàng với Ủy ban Đối ngoại dịch tài liệu về mô hình Quốc hội điện tử của một số nước, cung cấp thông tin, kinh nghiệm về thực hiện mô hình này. Đồng thời yêu cầu đơn vị giúp việc, tham mưu trực tiếp cho Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, qua đó, hoàn thiện các báo cáo về đánh giá những công việc đã triển khai trong thời gian qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; quy chế làm việc định kỳ của Thường trực Ban Chỉ đạo…

P.Thủy