Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị | |
Ảnh: Ng. Anh |
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Tuy nhiên, theo báo cáo viên, TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, 5 năm qua, giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi, nhưng những vấn đề của nó cơ bản vẫn vậy. Nguyên nhân là bởi nhận thức về hai giá trị cốt lõi của giáo dục (phát triển năng lực người học và xây dựng hệ thống giáo dục mở) chưa thấm. Chưa có đề án tổng thể về đổi mới giáo dục, mà mới làm theo từng mảng, khi khớp nối có chỗ vênh nhau. Chương trình giáo dục chủ yếu vẫn là truyền thụ kiến thức. Hệ thống giáo dục phân khúc, trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý giáo dục phổng thông và giáo dục đại học, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến không liên thông với nhau… Vì thế, TS. Vũ Ngọc Hoàng kiến nghị, thời gian tới cần thảo luận, trao đổi kỹ về hai giá trị cốt lõi của giáo dục Việt Nam; hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học, trong đó thực hiện đúng bản chất chủa chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa…
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đánh giá những thông tin đưa ra trong báo cáo chuyên đề rất bổ ích, thiết thực, nhất là khi chúng ta đang tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh, Ủy ban sẽ lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu để làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam.