Phiên họp thứ Sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quốc hội sẽ họp bất thường vào đầu năm 2022

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 14:09 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên làm việc sáng 10.12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường, Quốc hội Khóa XV. Nhất trí cao với việc tổ chức Kỳ họp, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý việc chuẩn bị kỹ lưỡng, có thời gian để các đại biểu Quốc hội thảo luận, tránh gò ép về thời gian, nhất là kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Theo đó, Kỳ họp sẽ được tổ chức đầu năm 2022.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp bất thường Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. 

Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nếu 4 nội dung trên đều đủ điều kiện trình Kỳ họp bất thường thì dự kiến tổng thời gian Kỳ họp sẽ là 3,5 ngày, dự phòng 0,5 ngày. Trong đó Phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận ở tổ: 1 ngày. Thảo luận ở hội trường: 2 ngày/4 nội dung. Phiên bế mạc và biểu quyết thông qua: 0,5 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại Phiên họp 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xin dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp như sau: Phương án 1: Tổ chức kỳ họp trong tháng 12.2021, dự kiến khai mạc vào ngày 27.12, bế mạc ngày 31.12 để kịp kết thúc kỳ họp trong năm 2021. Phương án 2: khai mạc kỳ họp trong tháng 12.2021, bế mạc vào tuần đầu tháng 1.2022, dự kiến khai mạc ngày 27.12 và bế mạc ngày 4.1.2022 (Quốc hội sẽ nghỉ ngày 28-29.12.2021 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ). Phương án 3: Tổ chức kỳ họp vào đầu tháng 1.2022, dự kiến khai mạc ngày 4.1.2022. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận tại tổ trong ngày 4.1.2022; thảo luận trực tuyến trong 2 ngày 7 - 8.1 và bế mạc ngày 11.1.2022 (trong đó, Quốc hội nghỉ ngày 5-6.1.2022 để các cơ quan tổng hợp, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án 1, đồng thời đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp hoàn thiện hồ sơ tài liệu, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến để bảo đảm thời gian triệu tập kỳ họp theo đúng quy định.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết tổ chức Kỳ họp bất thường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thời gian để cho các đại biểu Quốc hội thảo luận, tránh gò ép về mặt thời gian, nhất là kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng của đất nước.

Phát biểu bế mạc đợt họp thứ nhất, Phiên họp thứ Sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong đợt 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung toàn bộ thời gian hoàn thành việc cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến cuối Phiên họp thứ Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chốt được có bao nhiêu nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường. Trong đó, hai nội dung sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các cơ quan trình tiếp tục hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt hai của Phiên họp thứ Sáu là: Tờ trình về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tối đa chất lượng các nội dung. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý thời điểm cuối năm khối lượng công việc ở các cơ quan Trung ương, địa phương rất lớn, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sau ngày 21.12 (đợt hai của Phiên họp thứ Sáu) sẽ thống nhất nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường (tối đa là 4 nội dung), đồng thời tổ chức Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022, bố trí đủ thời gian cho các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường.

Hoàng Ngọc