Cần bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, thời gian qua, các chính sách BHXH, BHYT tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ đã được tích cực triển khai kịp thời, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) một cách nhanh chóng, thuận lợi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, các báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy kết quả thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, kết quả quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhất là khi đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động. Số lượng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều giảm so với cùng kỳ và giai đoạn trước 2020. Người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHYT, BHXH còn thấp, trong khi số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; đa phần đối tượng đóng BHYT hiện nay đều do Nhà nước hỗ trợ; tỷ lệ nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến và vẫn ở mức cao; vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, BHXH, chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng BHXH…
Từ thực tiễn địa phương và những hạn chế trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT đã được đề cập trong các báo cáo của Chính phủ, đại biểu đề xuất: Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển BHYT cho giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH, BHYT, phát huy tính ưu việt của công cụ quan trọng này đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường tính minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Chính phủ cũng cần chỉ đạo tổng kết việc thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung những điểm còn bất cập, hạn chế của Luật BHXH, Luật BHYT và các luật có liên quan trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Quỹ BHXH, BHYT, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, hạn chế tối đa số người hưởng BHXH một lần; thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng và có sự chia sẻ giữa nhóm đối tượng có mức đóng cao với nhóm đối tượng có mức đóng thấp. Trước mắt, cần xem xét tăng mức hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; điều chỉnh điều kiện về thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm tham gia. Chỉ đạo các cơ sở kinh tế thực hiện tốt chính sách bổ trợ xã hội, chính sách lương, thưởng, kịp thời thăm hỏi ốm đau, thai sản… Tạo điều kiện để nhóm lao động yếu thế, người lao động cao tuổi, người lao động có số năm tham gia BHXH thấp không phải rơi vào tình thế phải tất toán hưởng BHXH một lần.
Ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT
Đại biểu cũng mong muốn, Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế tài chính đặc biệt để tập trung huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư thúc đẩy y tế cơ sở, y tế dự phòng phát triển theo hướng hiện đại về trang thiết bị, cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng được đào tạo, bồi dưỡng giỏi về chuyên môn, sáng về y đức. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy vai trò, chức năng của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho người bị di chứng sau nhiễm Covid -19 là mục tiêu cực kỳ quan trọng, là "phép thử" về năng lực, về khả năng đáp ứng toàn diện ngành y tế và chính sự hài lòng của người dân. “Sự an toàn của người dân là thước đo đánh giá hiệu quả, khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch Covid-19 của địa phương và cả nước. Điều này vừa thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta, vừa là tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; để mọi người dân đều được hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế”, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, theo đại biểu việc nghiên cứu bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành để hạn chế, ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT là hết sức cần thiết. Các ngành chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức thanh tra, kiểm soát, để vừa không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; vừa có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết dứt điểm những vướng mắc được nêu ra qua các đợt thanh tra, giám sát hậu thanh tra, để tập trung kéo giảm tình trạng tỷ lệ các tổ chức, cá nhân chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016 - 2020 vẫn ở mức thấp. Góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ lãnh đạo các Bộ, ngành, tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối đồng bộ, khai thác tối đa hiệu quả hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển y tế điện tử, kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở khám chữa bệnh, để phục vụ tốt việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, chính sách BHXH, BHTN.