Kính thưa các vị khách quý,
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam và các nữ nghị sỹ quốc tế, các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo quốc tế “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với Chiến lược quốc gia bình đẳng giới”.
Thưa các vị đại biểu,
Tại Việt Nam, tư tưởng hiến định về bình đẳng nam nữ đã được quy định từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” đã được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp tiếp theo, được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam đã là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này. Năm 2006, với việc thông qua Luật bình đẳng giới, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới mà mục tiêu của bình đẳng giới đã được xác định trong Luật là “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới bằng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và báo cáo Quốc hội hằng năm.
Thưa các vị đại biểu,
Trong lịch sử hơn 66 năm phát triển của Quốc hội Việt Nam đã trải qua 12 nhiệm kỳ, nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện vai trò, tham gia tích cực các hoạt động Quốc hội và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Trong những nhiệm kỳ gần đây, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt được như mong muốn, nhưng Việt Nam vẫn là một nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khá cao trong khu vực và trên thế giới. Chất lượng nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng ngày càng một nâng lên, tỷ lệ nữ có trình độ đại học và trên đại học ngày càng tăng, số đại biểu trẻ và là người dân tộc thiểu số chiếm một phần không nhỏ.
Xuất phát từ nguyện vọng của các nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã được thành lập và đang thực sự trở thành diễn đàn, nơi tập hợp được tiếng nói của các nữ đại biểu Quốc hội để góp phần đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong các hoạt động của Quốc hội và qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới thông qua các đạo luật, chính sách được ban hành, qua kết quả hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào những thành tựu quan trọng về tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế phụ nữ mà Việt Nam đã đạt được. Nhóm cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) bàn về các vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới v.v…, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài và đòi hỏi các quốc gia phải có nhiều nỗ lực trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách và tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ, trẻ em gái được tham gia, thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại. Điều này là không dễ dàng trong bối cảnh các thể chế xã hội, văn hóa, nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với yêu cầu phát triển đặt ra. Trong quá trình phát triển của mình, các quốc gia sẽ phải lựa chọn và xây dựng các chính sách, cơ chế thích hợp để đạt được các mục tiêu bình đẳng giới đã đặt ra. Do vậy, việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các sáng kiến về bình đẳng giới, về thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới giữa các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về các giá trị văn hóa, chính trị, pháp lý hoặc có nhiều thành tựu về bình đẳng giới là rất quan trọng để chúng ta có thể vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội – văn hóa cụ thể của đất nước mình.
Chính vì vậy, tôi tin rằng Hội thảo “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới” là một cơ hội quý báu để các nhóm nữ đại biểu Quốc hội chúng ta có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện Chiến lược kế hoạch quốc gia về bình đẳng giới. Tôi mong muốn qua diễn đàn này, các nữ đại biểu Quốc hội sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới đặc biệt là việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; tăng cường sự hiểu biết tin cậy lẫn nhau; thảo luận những định hướng hợp tác trong thời gian tới, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của các nữ nghị sĩ trong các hoạt động của Quốc hội các nước ASEAN theo các nghị quyết của AIPA.
Nhân dịp Hội thảo này, cho phép tôi được cảm ơn các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã giúp đỡ, hỗ trợ cho Việt Nam trong sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu “tăng cường bình đẳng nam, nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ”.
Thưa các vị đại biểu,
Hội thảo của chúng ta được tổ chức tại thành phố Nha Trang tươi đẹp và giàu lòng mến khách. Chúng ta đã được nghe bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị rất vui mừng về sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, chăm lo công tác đối ngoại, củng cố hệ thống chính trị của tỉnh. Tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đồng bào, đồng chí tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta ngày một giàu mạnh. Xin cảm ơn sự phối hợp và quan tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Với những tình cảm thân ái, quý trọng và niềm tin tưởng sâu sắc, tôi tin rằng Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.
Chúc các quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công trên cương vị cao quý của mình!
Xin trân trọng cảm ơn!