Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho thấy, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (2006). Đến cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia, tuy nhiên, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Nhìn chung, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ khi về già. Trong những năm tới, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đến năm 2015 là 18% dân số (chiếm 33% lực lượng lao động); năm 2020 là 29% dân số (chiếm 50% lực lượng lao động, khoảng 29 triệu lao động). Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Do đó, việc cải thiện các chỉ số an sinh xã hội, trong đó việc mở rộng đối tượng và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (2006) đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Tuy nhiên, cho đến nay, Luật Bảo hiểm xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế, nhu cầu an sinh xã hội của người dân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần phải đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu an sinh xã hội của các tầng lớp nhân dân, người lao động, công đoàn, người sử dụng lao động và thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân theo quy định của Hiến pháp.