Tham dự Hội nghị có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Bộ có liên quan.
Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chính phủ đề nghị đưa 14 dự án luật, pháp lệnh vào chương trình năm 2020 và điều chỉnh 9 dự án luật thuộc chương trình 2019. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình thẩm định các dự án luật phải lập đề nghị theo yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL, Hội đồng tư vấn thẩm định đã bảo đảm tỷ lệ về giới, có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, một số cơ quan, tổ chức có liên quan. Bộ Tư pháp đã bám sát các nội dung được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu xác định có vấn đề giới, trong báo cáo thẩm định Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan lập đề nghị nghiên cứu, bổ sung hồ sơ, hoàn thiện các báo cáo đánh gá tác động. Ví dụ như: Báo cáo số 238 ngày 21.9.2018 thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Báo cáo số 342 ngày 19.12.2018 thẩm định đề nghị xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Qua nghiên cứu hồ sơ các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đánh giá, đa số hồ sơ đề nghị cơ bản đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành VBQPP, tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của chính sách được thực hiện chưa thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định cụ thể đánh giá tác động chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Hội nghị |
Đối với việc đánh giá tác động về giới, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ rõ: hầu hết các hồ sơ đề nghị đều dừng ở việc xác định các đề xuất không phân biệt đối xử về giới, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung; hoặc xác định lĩnh vực chính sách điều chỉnh không có tác động giới hoặc có những giải pháp được xác định có vấn đề giới nhưng vấn đề đó không gây bất bình đẳng giới như đề nghị xây dựng các dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều. Bên cạnh đó, một số đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá tác động giới, mới chỉ thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách về mặt kinh tế, xã hội hoặc không đánh giá tác động trên 5 nội dung the yêu cầu mà chỉ đánh giá mặt tích cực, tiêu cực của từng chính sách như đề nghị xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thỏa thuận quốc tế…
Theo đánh giá của các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, việc đánh giá tác động về xã hội, tác động giới và lồng ghép giới trong các dự án luật đã đạt đượ một số kết quả, trong đó, quan trọng nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của cơ quan đề xuất chính sách, cơ quan soạn thảo dự án luật, pháp lệnh về tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, chất lượng đánh giá tác động xã hội, đánh giá tác động giới, lồng ghép giới trong các dự án luật, pháp lệnh trên thực tế vẫn còn hạn chế.
Nhấn mạnh bình đẳng giới không có nghĩa là chỉ ưu tiên bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ, song một số đại biểu cũng cho rằng, do đặc thù giới, phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi trong đời sống xã hội và gia đình nên việc đánh giá tác động giới thận trọng, kỹ lưỡng trong xây dựng chính sách, pháp luật là hết sức quan trọng để làm cơ sở thiết kế được các chính sách, pháp luật bảo đảm bình đẳng giới, thể hiện sự chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Ngay trong các luật phải có chế tài để bảo đảm quyền bình đẳng giới được thực thi. Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia đánh giá tác động giới, đánh giá tác động xã hội.