Ủy viên TƯ Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nghe báo cáo về xu hướng cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí trên thế giới; tình hình tài chính quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất của Việt Nam và một số khuyến nghị cho cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí của Việt Nam từ thực tiễn quốc tế... Liên quan đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các đại biểu cho rằng, sau hơn 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện kinh tế – xã hội, nhu cầu an sinh xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế... đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi Luật cho phù hợp. Theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, việc sửa đổi Luật lần này cần quan tâm đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ bảo hiểm xã hội; đồng thời Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (ước khoảng 29 triệu người). Cùng với đó, cần bảo đảm an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động. Nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, các đại biểu cũng cho rằng, chính sách bảo hiểm cần hướng nhiều hơn đến khu vực phi chính thức và lao động tự do; thực hiện các gói bảo hiểm ngắn hạn khác nhau hoặc kết hợp ngắn hạn với dài hạn...