Xem xét lại phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Theo Tờ trình về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, việc sửa đổi Luật năm 2009 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thông qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quang Khánh) |
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhận thấy, hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện báo cáo UBTVQH để trình QH. Việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là: “tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp thực tiễn phát triển đất nước...”. Đồng thời, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan mới được ban hành.
Khẳng định cần thiết phải sửa đổi Luật, các Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường và căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét lại phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, Điều 1, dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định này của dự thảo Luật chưa phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với một số luật khác. Vì, Điều 30, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”. Điều 31 quy định “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự”. Như vậy, quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, hành vi hay trường hợp nào. Dự thảo Luật quy định việc bồi thường chỉ trong ba lĩnh vực thì liệu có vi hiến? Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ban soạn thảo phải rà soát, đối chiếu lại quy định dự án Luật với các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất như Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), các quyết định nào thuộc tố tụng hình sự sai phải bồi thường… Đồng thời lấy ý kiến của Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc mở rộng phạm vi bồi thường.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quang Khánh) |
Vướng thủ tục sao lại sửa mô hình cơ quan giải quyết bồi thường?
Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến về việc tách bạch giữa cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ mô hình cơ quan bồi thường như Luật hiện hành. Theo đó, chỉ quy định một loại cơ quan là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, đồng thời xác định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong từng lĩnh vực. Như vậy, cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong Luật hiện hành so với dự thảo Luật chính là cơ quan gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường, cũng là cơ quan ra quyết định bồi thường (mô hình ba trong một). Tán thành với quan điểm này, một số Ủy viên UBTVQH nêu rõ, quy định cơ quan gây thiệt hại đồng thời là cơ quan giải quyết bồi thường và ra quyết định bồi thường phản ánh đúng quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm, vướng mắc trong Luật hiện hành không phải do mô hình tổ chức bồi thường mà do bất cập về thủ tục bồi thường. Vậy tại sao lại sửa mô hình tổ chức, để sinh ra thêm bộ máy? Mục đích bồi thường nhà nước không phải chỉ bồi thường cho người thiệt hại, mà còn nâng cao trách nhiệm của cơ quan và cán bộ, công chức thi hành công vụ. Nếu cơ trực tiếp quản lý cán bộ, công chức gây thiệt hại không trực tiếp bồi thường, vậy có đạt yêu cầu, mục đích luật đề ra hay không? Nếu giao cấp huyện bồi thường thiệt hại cho cấp xã có đúng không? Do vậy, dự án Luật phải chú trọng sửa đổi về thủ tục giải quyết bồi thường, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.