Phiên họp thứ Mười của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cần có giải pháp triển khai ngay để gỡ vướng mắc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030

- Thứ Hai, 25/04/2022, 17:49 - Chia sẻ
Chiều 25.4, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát
Ảnh: Hồ Long

Trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 1 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch… Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được triển khai tích cực; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia tư vấn về quy hoạch trên cả nước đã được huy động…

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về các quy định pháp luật thì việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Về thực thi pháp luật, lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh nhiều quy hoạch các cấp được lập đồng thời với phương pháp, cách tiếp cận mới…

Các đại biểu tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là bởi, quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương… Nguyên nhân chủ quan là một số quy định của Luật Quy hoạch còn có bất cập, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch; chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin giữa các Bộ, ngành và địa phương để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành...

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Trong đó, có các giải pháp cần thiết phải triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 cũng như có các giải pháp trong dài hạn.

Qua thảo luận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát, báo cáo giám sát và biểu dương Đoàn giám sát đã đổi mới trong hoạt động giám sát, nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, các phụ lục, các báo cáo tóm tắt và video và báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để lập, duyệt được các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong thời gian sớm nhất và bảo đảm chất lượng quy hoạch. 

N. Thành