Theo báo cáo, đến nay, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19. Đối tượng tham gia BHXH tiếp tục giữ được đà tăng. Tuy nhiên các báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến thu quỹ BHXH, BHYT. Vẫn còn tình trạng thiếu kinh phí thanh toán khám chữa bệnh y tế những tháng cuối năm ở một số địa phương. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa được như mong đợi…
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ trình tại Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, báo cáo cần phân tích rõ hơn những nguyên nhân của hạn chế để đề ra được giải pháp tổng thể trong thực hiện chính sách về BHXH, BHYT. Cụ thể, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ngô văn Tuấn cho rằng: Hiện nay, chế tài xử phạt đối với đơn vị trốn BHXH chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng nợ đọng, trốn BHXH kéo dài và chưa có giải pháp triệt để. Đại biểu Ngô Văn Tuấn phân tích thêm: Việc nợ đọng BHXH làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Hiện nay, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành hữu quan, đặc biệt là ngành Thuế trong thực hiện các quy định về chính sách BHXH. Ngoài ra, việc xây dựng quỹ BHXH đã đến lúc cần tính đến phương án để bảo đảm sự an toàn cho quỹ BHXH một cách lâu dài, bền vững. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động khám chữa bệnh BHYT…
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân tích thêm: Theo báo cáo đánh giá, năm 2020, tỷ lệ chậm đóng BHXH khối doanh nghiệp chậm đóng BHXH là 6,4%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 57,25 và ngay trong khu vực khối hành chính, Đảng, Đoàn thể vẫn xảy ra tình trạng chậm, nợ BHXH, vậy báo cáo cần phân tích, đánh giá nguyên nhân, xác định rõ đối tượng để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối tượng trong khu vực hành chính. Đại biểu đề nghị, hàng năm cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT và công khai các doanh nghiệp, số lượng chậm nộp, trốn nộp BHXH.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đồng tình với các ý kiến trên đồng thời kiến nghị về chế độ chính sách BHYT ở các xã đạt nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hộ thuộc diễn khó khăn. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập địa giới hành chính, nhiều xã vùng khó khăn sáp nhập với xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đạt tiêu chí NTM. Ngay khi xã đạt chuẩn NTM, Chính phủ đã cắt chính sách hưởng BHYT đối với các hộ khó khăn, người dân gần như không có sự chuẩn bị. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ khó khăn trong địa bàn xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời cho rằng về lâu dài khi nghiên cứu, xây dựng các chính sách cần đánh giá khảo sát theo đối tượng chịu tác động của chính sách để đảm bảo sát thực tế hơn.
Trước đó, trong ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ Hai, các đại biểu đã nghe Dự thảo Luật kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.