Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương làm Trưởng đoàn công tác.
Cùng dự có: Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải; các thành viên Đoàn giám sát và các sở, ngành địa phương.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Hoàng Văn Long cho biết, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện còn 1 thị trấn và 19 xã (giảm 5 xã so với trước sắp xếp). Qua lấy ý kiến chịu tác động của việc sắp xếp các đơn vị hành chính, có 95,4% tổng số cử tri đồng thuận và 92,8% tổng số đại biểu HĐND cấp xã tán thành.
Về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, tính đến ngày 1.4.2022, số cán bộ, công chức cấp xã giảm được 66 biên chế, giảm 171 người hoạt động không chuyên trách và 335 người hoạt động không chuyên trách ở thôn. Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư được quan tâm, thực hiện tốt. Đối với xử lý tài sản công, huyện Hà Trung nhập nguyên trạng tài sản công đang sử dụng về đơn vị mới sau sắp xếp; đối với trường học đã sáp nhập 14 trường thành 7 trường.
Về thực hiện chính sách an sinh xã hội ở các đơn vị hành chính mới được triển khai kịp thời, bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra khiếu nại, phản ánh của nhân dân; công tác quản lý về dân cư được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ…
Qua quá trình thực hiện, lãnh đạo huyện Hà Trung cho biết, khó khăn hiện nay là không có đơn vị hành chính cấp xã nào đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và có 15/20 đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về quy mô dân số theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; một số cơ sở vật chất, trụ sở làm việc không sử dụng gây ra tình trạng lãng phí…
Lãnh đạo huyện Hà Trung kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số, điều chỉnh giảm tiêu chí diện tích đất tự nhiên để phù hợp với thực tế các đơn vị hành chính cấp xã có yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đối với các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính…
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Hà Trung đã góp phần tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm chức danh lãnh đạo chủ chốt; giảm chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc sắp xếp cũng làm tăng quy mô diện tích, dân số, tăng quy mô nguồn lực kinh tế, hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện để địa phương quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh…
Nhấn mạnh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở…, một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị, huyện Hà Trung tiếp tục chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sau sắp xếp đơn vị hành chính, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương ghi nhận các kiến nghị của địa phương và cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tiếp đó, Đoàn giám sát đã khảo sát trực tiếp tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung.