Phiên họp thứ Mười một của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của dự án vành đai 4 Thủ đô và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

- Thứ Năm, 12/05/2022, 17:18 - Chia sẻ

Tại phiên họp chiều nay, 12.5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết và phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của dự án vành đai 4 Thủ đô và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Cần nguồn lực rất lớn

Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Báo cáo tóm tắt thẩm tra Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”. 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành rất lớn (35-54,5m), tương đồng với quy mô đường đô thị theo tiêu chuẩn TXDVN 104 : 2007 về đường đô thị và chủ yếu phục vụ cho việc phát triển không gian đô thị. Hơn nữa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đường vành đai này không bao gồm các đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ đường song hành là đường đô thị.

Bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của dự án vành đai 4 Thủ đô và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh -0
Ảnh: Lâm Hiển

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

Nguồn vốn đầu tư phải tuân thủ khung chính sách 5 năm

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án nêu trên.

Nêu các vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, phải xác định rõ đường vành đai là đường cao tốc hay đường đô thị để bố trí xây dựng đường song hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng nhất trí với Ủy ban Kinh tế về việc phải xem lại đường song hành của cả hai dự án có cần thiết hay không bởi tổng mức đầu tư tăng lên rất lớn trong khi đó đường vành đai là tuyến đường cũng nằm trong đô thị. Về việc phân định ngân sách đầu tư giữa trung ương và địa phương, cơ cấu nguồn vồn chưa rõ, cần xem xét kỹ lưỡng. 

Bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của dự án vành đai 4 Thủ đô và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Đánh giá hai dự án này rất quan trọng và nằm trong tổng thể xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng. Việc tính toán nguồn vốn đầu tư phải bảo đảm tuân thủ khung chính sách đã đề ra trong 5 năm để cân đối các nguồn lực, bảo đảm vừa tập trung trọng điểm vừa toàn diện. Quan trọng nhất là bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của dự án.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, địa phương và Trung ương cần san sẻ với nhau trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Hai dự án vành đai 3 và vành đai 4 là rất cần thiết, tuy nhiên, cần tránh trường hợp địa phương không có đủ vốn nhưng vẫn phải cam kết đầu tư. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ căn cứ vào các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để tiếp thu tối đa và giải trình thỏa đáng những vấn đề đã được đặt ra. Cụ thể, giãn tiến độ và giãn thời gian bố trí vốn của dự án vành đai 4 trong 1 năm, cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2027. Đồng thời, phải báo cáo rõ việc này để rút được một số vốn cần thiết bố trí cho một số công trình quan trọng. Còn với dự án vành đai 3 cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, thông tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2026, quyết toán trong năm 2027.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ các dự án để báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội.

Minh Trang