Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30.4 và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

- Thứ Bảy, 30/04/2022, 10:15 - Chia sẻ
Nhân dịp Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022), Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện Trưởng viện Lịch sử Quân sự trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu nhân dân về chủ đề: “Tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30.4 và bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

- Chiến thắng 30.4 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong dựng nước và giữ nước, thưa ông?

- Cách đây 47 năm, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng vào ngày 30.4. Đây là mốc son đánh dấu thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, Chiến thắng 30.4 khẳng định đường lối chính trị, quân sự, phương pháp tiến hành cách mạng và chiến tranh cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cực kỳ to lớn để quân dân ta đánh thắng lực lượng khổng lồ. Đây chính là nhân tố quyết định nhất để làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thưa ông, đóng góp của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 làm nên chiến thắng vĩ đại ?

- Chiến thắng 30.4 là biểu hiện sinh động sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đảng ta xác định rõ đường lối tiến hành chiến tranh, đồng thời vạch ra phương châm, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, đảm bảo cho quân và dân ta càng đánh càng mạnh, lực lượng ngày càng phát triển, tạo ra và giữ được thế chủ động chiến lược thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên những bước vững chắc và đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng 30.4 cũng là thành quả của liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia đều có chung mục đích đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc, tạo ra sức mạnh to lớn, bảo đảm cho mục tiêu của mỗi nước và cả ba nước.

Chiến thắng 30.4 thể hiện sức mạnh, sức sống của hậu phương chiến tranh; là kết quả mối quan hệ giữa hậu phương chiến lược với hậu phương tại chỗ, giữa hậu phương trong nước với hậu phương quốc tế. Cần thấy rằng, không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có hậu phương chiến lược miền Bắc - căn cứ địa của cả nước và của cách mạng ba nước Đông Dương. Cùng với hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ giữ vai trò là nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường tiềm lực và sức mạnh của cách mạng, xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, tiến hành chiến lược tiến công, giữ vững quyền chủ động chiến trường, thu hẹp hậu phương của địch, tạo thế cài răng lược, không phân vùng, phân tuyến giữa ta và địch…

Bên cạnh hậu phương trong nước, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam còn có hậu phương quốc tế rộng lớn. Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa cùng với phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới chính là sức mạnh của thời đại, kết hợp với sức mạnh của dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đồng thời là nhân tố quan quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng
Ảnh: TTXVN

- Từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc ta, nhất là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đúc kết nên những giá trị và bài học kinh nghiệm quý báu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thưa ông?

- Tiêu biểu là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó thể hiện bằng những quyết định lịch sử, đặc biệt là việc Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới vào năm 1986 (Đại hội thứ VI), lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ta dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến từng bước vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào thế giới với xu thế toàn cầu hóa.

Đó là bài học về nhận định, nắm bắt thời cơ chiến lược, động viện nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Bài học này được tiếp tục được vận dụng sáng tạo, góp phần giúp cho Đảng ta có quyết sách đúng đắn, phát huy sức mạnh trong nước và quốc tế, tranh thủ được mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Là bài học về tính sáng tạo và mưu lược trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; tạo ra thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ để giành thắng lợi. Thành tựu của công cuộc đổi mới, nhất là của cuộc công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đã cho thấy rõ bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng tích cực và có trách nhiệm trong các công việc mang tầm vóc khu vực, thế giới, làm cho uy tín, vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao.

Việc thích ứng với quá trình toàn cầu hóa đưa lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước những nguồn lực và vận hội mới, đồng thời khắc phục những mặt tiêu cực của toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, chúng ta có phương án chủ động, tích cực đối phó với biến đổi khí hậu, làn sóng xâm thực văn hóa, những vấn đề toàn cầu khác như chiến tranh, xung đột, bệnh dịch, nhất là đại dịch Covid-19…

Chiến thắng 30.4 đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực. Chiến công hiển hách đó đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc, đồng thời là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Xuân Tùng- Nguyễn Thăng