Tăng cường cảnh giác cho người dân
Trung Quốc đã phát động một chiến dịch toàn quốc kéo dài một tháng để chống gian lận viễn thông và trực tuyến trong bối cảnh người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông và mạng internet ngày càng phổ biến và tinh vi, dẫn đến tổn thất tài chính hàng chục tỷ đô la.
Bộ Công an Trung Quốc cho biết, đợt phát động bắt đầu từ cuối tháng 6 kéo dài 1 tháng nhằm “tăng cường nhận thức cho người dân về tội phạm lừa đảo”; tăng cường cảnh báo, nâng cao khả năng của công chúng trong việc xác định và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Theo Tân Hoa Xã, chiến dịch sẽ được triển khai ở các cấp chính quyền; chính quyền địa phương sẽ trực tiếp tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền nhằm tiếp cận người dân ở cơ sở, bao gồm các cộng đồng, làng mạc, khu dân phố, trường học và doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng cũng sẽ công bố các hình thức gian lận viễn thông, gian lận mạng phổ biến cùng các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng này. Bên canh đó, các chương trình mục tiêu sẽ được thực hiện nhằm nâng cao cảnh giác cho những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ vị thành niên, người già, doanh nghiệp và người làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Hơn 60% nạn nhân của tội phạm gian lận viễn thông năm 2023 có độ tuổi từ 18 đến 40, hãng truyền thông Trung Quốc The Paper đưa tin tin hôm 25.6. Khoảng 1/3 tổng số nạn nhân có độ tuổi từ 41 đến 65.
Theo Tân Hoa Xã, nhà chức trách cũng sẽ nêu bật các vụ án hình sự để giáo dục người dân, tránh để họ trở thành “công cụ” và “đồng phạm” của những kẻ lừa đảo.
Trấn áp tội phạm lừa đảo xuyên biên giới
Những nỗ lực chống lừa đảo cũng mở rộng ra nước ngoài. Trong chiến dịch kéo dài một tháng, các cơ quan chính phủ sẽ xuất bản “cuốn cẩm nang” nhằm giúp sinh viên và cộng đồng người Hoa ở nước ngoài xác định và ngăn chặn gian lận.
Bộ Công an cũng ca ngợi “tiến bộ lịch sử” đạt được trong việc trấn áp gian lận viễn thông liên quan đến nghi phạm Trung Quốc ở Myanmar, nhấn mạnh rằng hơn 49.000 người trong số họ đã được quốc gia Đông Nam Á bàn giao cho đến nay. Trong số đó có cuộc trấn áp “4 gia đình” ở Kokang, miền bắc Myanmar, triệt phá các nhóm tội phạm nổi tiếng hoạt động ở khu vực gần biên giới Trung Quốc. Cũng trong tháng 6, 150 công dân nước này bị nghi ngờ lừa đảo viễn thông xuyên biên giới đã được dẫn độ từ Myanmar về nước.
Kể từ năm 2023, Bộ Công an Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với cảnh sát Myanmar để trấn áp tội phạm lừa đảo trực tuyến và viễn thông. Hơn 49.000 nghi phạm lừa đảo qua mạng viễn thông và Internet đã được Myanmar bàn giao cho Trung Quốc kể từ tháng 7.2023.
Theo báo cáo của BBC News vào cuối năm ngoái, ước tính hơn 100.000 công dân nước ngoài, nhiều người trong số họ là người Trung Quốc, đã bị dụ dỗ làm việc tại các trung tâm lừa đảo ở biên giới với Myanmar.
Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gia tăng nghiêm trọng các vụ lừa đảo viễn thông trong những năm gần đây. Bộ Công an Trung Quốc cho biết, tính đến tháng 5.2024, Trung Quốc đã triệt phá 543.000 vụ lừa đảo mạng và viễn thông, đồng thời bắt giữ “một số lượng lớn” nghi phạm có liên quan. Cơ quan này không nói rõ việc kiểm đếm này là từ đầu năm hay trước đó.
Bộ Công an cho biết cho đến nay, Trung tâm chống lừa đảo quốc gia của Trung Quốc đã chặn 3,7 tỷ cuộc gọi lừa đảo và 2,98 tỷ tin nhắn liên quan đến lừa đảo. Tổng cộng 452,9 tỷ nhân dân tệ (62,4 tỷ USD) đã được thu hồi.
Theo The Paper, các thủ đoạn phổ biến của đối tượng lừa đảo là các chương trình giảm giá, lừa đảo đầu tư trực tuyến, dịch vụ mua sắm giả và mạo danh dịch vụ khách hàng thương mại điện tử nằm trong số 10 thủ đoạn lừa đảo viễn thông hàng đầu ở Trung Quốc – chiếm gần 88,4% số vụ.