Theo đài RT, ông Putin dự kiến hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều ngày 16.5. Thông báo của Điện Kremlin trước chuyến thăm cho biết, ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương và hợp tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời xác định hướng đi chính cho sự phát triển hợp tác thực tế trong tương lai.
Ngoài ra theo kế hoạch, ông Putin cũng sẽ thăm Cáp Nhĩ Tân, một thành phố có quan hệ chặt chẽ với Nga.
Mối quan hệ cá nhân với 40 cuộc gặp mặt
Chuyến thăm gần nhất của ông Putin tới Trung Quốc diễn ra vào tháng 10.2023 trong khi ông Tập Cận Bình có chuyến thăm Moscow vào tháng 3.2023. Hai nước có mối quan hệ chặt chẽ và cá nhân hai nhà lãnh đạo cũng có những liên hệ đặc biệt. Trong suốt nhiệm kỳ kéo dài của mình kể từ năm 2013, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hơn 40 lần.
Theo hãng tin Reuters, với việc chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, ông Putin đang gửi một thông điệp đến thế giới về những ưu tiên của ông và mối quan hệ cá nhân sâu sắc với cá nhân ông Tập Cận Bình.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tân Hoa Xã, ông Putin khen ngợi ông Tập đã giúp xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga dựa trên lợi ích quốc gia và sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc. Ông Putin nói: "Chính mức độ hợp tác chiến lược cao chưa từng có giữa hai nước chúng ta đã quyết định việc tôi chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà tôi sẽ đến thăm sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Liên bang Nga".
Hợp tác Nga- Trung giúp thúc đẩy trật tự thế giới đa cực
Phát biểu với Tân Hoa Xã, ông Putin tuyên bố, Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy sự thịnh vượng của cả hai quốc gia thông qua mở rộng hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin nhấn mạnh rằng sự phối hợp trong chính sách đối ngoại giữa hai nước giúp thúc đẩy việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực công bằng, làm nền tảng cho thành công của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung trong kỷ nguyên mới.
Ông Putin khẳng định Trung Quốc và Nga có quan điểm tương đồng về các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. “Chúng tôi ủng hộ tính ưu việt của luật pháp quốc tế, an ninh bình đẳng, không thể chia cắt, toàn diện và bền vững ở cả hai khía cạnh toàn cầu và cấp khu vực với vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp Quốc”.
Nga ủng hộ 4 nguyên tắc của Trung Quốc về Ukraine
Phát biểu ngay trước chuyến thăm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán như vậy phải tính đến lợi ích của tất cả các nước liên quan, bao gồm cả Nga.
Ông Putin cho biết Trung Quốc hiểu rõ nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine và tác động địa chính trị toàn cầu của nó, như được phản ánh trong “Lập trường của Trung Quốc về giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, một đề xuất gồm 12 điểm do Trung Quốc đưa ra vào tháng 2.2023. Ông nói thêm, các khái niệm và đề xuất được nêu trong tài liệu thể hiện mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc ổn định tình hình.
Ông Putin nhấn mạnh 4 nguyên tắc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất gần đây hoàn toàn phù hợp với văn kiện nói trên. Tổng thống Nga cho biết "Các bước này được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng chúng ta cần phải từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và đảm bảo an ninh không thể chia cắt cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong toàn bộ các mối quan hệ”.
“Chúng tôi chưa bao giờ từ chối đàm phán”, ông Putin nói. “Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột này thông qua các biện pháp hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán như vậy phải tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm cả lợi ích của chúng tôi”.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui trả lời Global Times trong một cuộc phỏng vấn độc quyền nhấn mạnh: "Lịch sử đã chứng minh rằng điểm cuối của bất kỳ cuộc xung đột nào cũng là bàn đàm phán. Trung Quốc ủng hộ việc triệu tập kịp thời một hội nghị quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về mọi đề xuất hòa bình. Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò, trí tuệ và sức mạnh để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Zhang cho biết: "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung- Nga phối hợp cho kỷ nguyên mới chưa bao giờ nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào, cũng như không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp hay ép buộc nào của bên thứ ba. Trung Quốc không phải là người tạo ra hay một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine”.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những cáo buộc vô căn cứ hoặc đe dọa trừng phạt Trung Quốc và Nga và lấy cuộc khủng hoảng Ukraine làm cái cớ để can thiệp vào trao đổi và hợp tác. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp mình. Đồng thời, chúng tôi khuyên các nước liên quan ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc và thực hiện những nỗ lực thực sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine về mặt chính trị”, Đại sứ Trung Quốc nói.