Kế hoạch nêu trên là một phần trong sáng kiến Ignite Thái Lan (Thắp sáng Thái Lan) của chính phủ được công bố vào hồi tháng 2, nhằm đưa nước này trở thành trung tâm du lịch, điều trị y tế, thực phẩm, hàng không, hậu cần, xe điện, nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính vào năm 2030.
Theo kế hoạch ba giai đoạn, CAAT sẽ tăng công suất của các cơ sở sân bay Thái Lan để đáp ứng 1,2 triệu chuyến bay và 180 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2025 trong thời gian ngắn. Hãng cũng đặt mục tiêu đạt thời gian nối chuyến tối thiểu (MCT) cho các chặng bay quốc tế không quá 75 phút.
Trong giai đoạn thứ hai, từ năm 2026 đến 2028, tổng công suất tại các sân bay phải đạt 1,4 triệu chuyến bay và 210 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2028, trong khi MCT không được vượt quá 60 phút. Trong giai đoạn thứ ba, từ năm 2029 đến 2037, CAAT đặt mục tiêu đạt công suất 2,1 triệu chuyến bay và 270 triệu hành khách, đồng thời giảm MCT xuống dưới 45 phút. CAAT dự báo, đến năm 2037, Thái Lan sẽ nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng vận chuyển hàng không nhiều nhất mỗi năm.
Theo CAAT, để đạt được những mục tiêu này cần có phối hợp với các cơ quan khác trong ngành hàng không và các lĩnh vực liên quan để hỗ trợ hoạt động và mục tiêu của nhau, bao gồm Cục Sân bay, Sân bay Thái Lan, Đài phát thanh Hàng không Thái Lan, Trung tâm Đào tạo Hàng không Dân dụng và khách sạn Sân bay Suvarnabhumi.
Hơn nữa, tầm nhìn của CAAT là chuẩn bị cơ sở hạ tầng hàng không của Thái Lan cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai, củng cố và mở rộng các tuyến hậu cần hàng không để kết nối với mạng lưới toàn cầu và thúc đẩy du lịch trong nước và quốc tế.