Những con số đáng lo ngại
Theo Korea Times, số liệu thống kê gần đây của Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc cho thấy trong số 6.175 trường tiểu học trên toàn quốc, có tới 23,1% trường có dưới 60 học sinh, trong khi cứ 10 trường thì có 1 trường có ít hơn 30 học sinh.
Dữ liệu cho thấy xu hướng gia tăng đáng lo ngại đối với các trường tiểu học quy mô nhỏ. Năm 2003, chỉ có 11,2% trong số 5.463 trường có ít hơn 60 học sinh, trái ngược hoàn toàn với con số hiện tại là 23,1%. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi xem xét các trường tiểu học có ít hơn 30 học sinh, số trường như thế này đã tăng 4,1 lần kể từ năm 2003, chiếm 9,5% tổng số trường.
Tỉnh Jeolla Nam dẫn đầu cả nước có số trường tiểu học gặp phải vấn đề trên cao nhất, ghi nhận 212 trường có dưới 60 học sinh vào năm ngoái. Tỉnh Bắc Kyungsang theo sát với 207 trường, tỉnh Jeolla Bắc là 206 và tỉnh Chungcheong Nam là 177. Ngay cả ở vùng thủ đô Seoul nhộn nhịp hơn, 107 trường như vậy ở tỉnh Kyunggi, 17 trường ở Incheon và 4 trường ở thủ đô Seoul.
Tác động của tỷ lệ sinh giảm dự kiến sẽ lan sang các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trong thời gian tới, khi số lượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được dự báo sẽ giảm từ 5,13 triệu trong năm nay xuống còn 4,84 triệu vào năm 2026, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Con số đó khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,27 triệu vào năm 2029.
Hàn Quốc đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là 0,78 trẻ sinh ra trên một phụ nữ tính đến năm 2022. Tỷ lệ này đã giảm từ 0,84 vào năm 2020 và 0,81 trong năm 2021. Tình trạng già hóa dân số tại Hàn Quốc thực sự ở mức báo động, với khoảng 30% dân số dự kiến sẽ ở độ tuổi 75 trở lên vào năm 2073. Dữ liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc dự báo, tổng dân số Hàn Quốc sẽ là 49,16 triệu người vào năm 2040, giảm 5,17% so với năm 2020. Dân số Hàn Quốc ghi nhận xu hướng giảm năm thứ 3 liên tiếp với mức giảm cũng ngày càng lớn. Thêm vào đó, số hộ gia đình 1 thành viên cũng sắp vượt qua con số 10 triệu.
Quyết sách của nhà nước
Để đối phó với thách thức về nhân khẩu học do dân số suy giảm, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để tăng tỷ lệ sinh. Các chính sách khuyến khích sinh con mở rộng, phúc lợi nghỉ thai sản và các chương trình phúc lợi nhà ở cho các gia đình có trẻ sơ sinh đã được áp dụng. Chính phủ hiện cung cấp tổng cộng 29,6 triệu won (22.000 USD) tiền khuyến khích sinh con cho mỗi đứa trẻ từ sơ sinh đến 7 tuổi, với số tiền tăng lên đối với trường hợp sinh nhiều con. Chẳng hạn, 2 triệu won cho con đầu lòng, 3 triệu won cho con thứ hai trở lên và 5 triệu won cho cặp song sinh để hỗ trợ cha mẹ trang trải chi phí trước khi sinh.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế và phúc lợi, bất chấp những nỗ lực trên, chi tiêu công của Hàn Quốc cho phúc lợi gia đình vẫn tụt hậu so với các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nước này chỉ phân bổ 1,6% GDP cho phúc lợi gia đình, đứng thứ 31 trong số 38 thành viên OECD, với mức trung bình là 2,1%.
So sánh với các nước khác cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Thụy Điển, với tỷ lệ sinh cao hơn là 1,67 vào năm 2021, phân bổ 3,3% GDP cho phúc lợi gia đình. Pháp, với tỷ lệ sinh là 1,8, dành 2,9% GDP cho các chương trình tương tự. Các chuyên gia nhấn mạnh, Hàn Quốc cần phải tăng đáng kể chi tiêu công để phù hợp với mức độ của các quốc gia này.
Ông Lee In-shil, người đứng đầu Viện Dân số bán đảo Triều Tiên vì tương lai, cho biết: “Tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc đã lên đến mức nghiêm trọng và cần một giải pháp cấp bách”. Do đó, “Chính phủ nên tăng chi tiêu công ít nhất bằng mức của Pháp thông qua biện pháp đưa ra nhiều tiền thưởng hơn”, ông nói.
Nói chung, khi Hàn Quốc vật lộn với hậu quả của tỷ lệ sinh thấp, cần có các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng suy giảm số lượng học sinh ở các trường tiểu học. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích sinh con là bước đi đúng hướng, nhưng việc tăng chi tiêu công cũng rất quan trọng để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Tình hình đó đòi hỏi một chiến lược toàn diện và bền vững để bảo đảm sức sống của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng như tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.