Lạm phát đang giảm dần về mục tiêu nhưng vẫn còn một số thách thức
Báo cáo, được đăng trên trang web oecd.org, cho biết: “Có những dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu sáng sủa hơn, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khiêm tốn. Tác động của các điều kiện tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp tục, đặc biệt là ở thị trường nhà ở và tín dụng, nhưng hoạt động toàn cầu đang tỏ ra tương đối kiên cường, lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ban đầu và niềm tin của khu vực tư nhân đang được cải thiện”.
OECD cũng nhấn mạnh rằng sự mất cân đối cung cầu trên thị trường lao động đang giảm bớt, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức hoặc gần mức thấp kỷ lục (mức 4,9% trong tháng 2, gần với mức thấp nhất kể từ năm 2001). Thu nhập thực tế đang tăng lên ở nhiều nước OECD khi lạm phát ở mức vừa phải và tăng trưởng thương mại chuyển sang tích cực.
Trong báo cáo mới nhất, OECD cho biết lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến tạo tiền đề cho các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay, đồng thời thúc đẩy thu nhập của người tiêu dùng tăng lên.
OECD dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định ở mức 3,1% vào năm 2024, bằng mức 3,1% vào năm 2023, sau đó tăng nhẹ lên 3,2% vào năm 2025.
Tác động của các điều kiện tiền tệ thắt chặt vẫn tiếp tục được cảm nhận, đặc biệt là ở thị trường nhà đất và tín dụng, nhưng hoạt động toàn cầu đang tỏ ra tương đối kiên cường, lạm phát tiếp tục giảm và niềm tin của khu vực tư nhân đang được cải thiện.
Lạm phát chung ở các nước OECD dự kiến sẽ giảm xuống 5% vào năm 2024, từ mức 6,9% vào năm 2023 và giảm thêm xuống 3,4% vào năm 2025. Đến cuối năm 2025, lạm phát ở OECD được dự đoán sẽ gần bằng mức lạm phát mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương là 2%. Điều này có thể là do giá năng lượng và hàng hóa giảm, cũng như các chính sách tiền tệ cứng nhắc hơn.
Reuters dẫn lời Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết trong một tuyên bố: “Nền kinh tế toàn cầu đã tỏ ra kiên cường, lạm phát đã giảm trong tầm ngắm của các mục tiêu của ngân hàng trung ương và rủi ro đối với triển vọng đang trở nên cân bằng hơn. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn cầu ổn định trong năm 2024 và 2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ vẫn dưới mức trung bình dài hạn".
Triển vọng khác nhau giữa các nền kinh tế
Theo OECD, triển vọng tiếp tục khác nhau giữa các quốc gia, với kết quả yếu hơn ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là ở châu Âu, trong khi tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi.
OECD cảnh báo tình trạng trì trệ kéo dài ở châu Âu và Nhật Bản đang được bù đắp bởi Mỹ, quốc gia có dự báo tăng trưởng tăng lên 2,6% trong năm nay so với ước tính trước đó là 2,1%.
Năm 2025, tăng trưởng của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống mức 1,8%, tăng nhẹ so với mức 1,7% được đưa ra trước đó.
Được thúc đẩy bởi kích thích tài chính, nền kinh tế Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến với mức tăng trưởng hiện được dự báo là 4,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, tăng từ mức 4,7% và 4,2% so với báo cáo hồi tháng 2.
Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định 6,6% cho cả năm 2024 và 2025, trong khi Indonesia có thể đạt mức tăng 5,1% vào năm 2024, chuyển lên 5,2% vào năm 2025.
Trong khi sự yếu kém ở Đức sẽ tiếp tục đè nặng lên khu vực đồng euro, tốc độ tăng trưởng của khối đồng tiền chung châu Âu được dự đoán sẽ tăng từ 0,7% trong năm nay lên 1,5% vào năm tới do lạm phát thấp hơn sẽ thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình và mở đường cho việc cắt giảm lãi suất. OECD trước đó đã dự báo tăng trưởng khu vực đồng EUR là 0,6% trong năm nay và 1,3% vào năm 2025.
Anh là một trong số ít quốc gia bị hạ triển vọng khi OECD dự báo Anh chỉ đạt tăng trưởng 0,4% trong năm nay so với 0,7% trước đó. Khi lãi suất bắt đầu giảm từ quý III năm nay, tăng trưởng của Vương quốc Anh được dự đoán sẽ tăng lên 1% vào năm 2025, so với mức 1,2% dự kiến vào tháng 2.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, thu nhập tăng, chính sách tiền tệ nới lỏng và cắt giảm thuế tạm thời sẽ giúp tốc độ tăng trưởng của nước này tăng từ 0,5% vào năm 2024 lên 1,1% vào năm 2025, so với dự báo 1% cho cả 2 năm được đưa ra trước đó, OECD cho biết.