Theo cơ quan bầu cử Argentina, với 99,4% số phiếu bầu được kiểm trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, ông Milei giành được 55,7% trong khi Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa 44,3%. Đây là tỷ lệ chiến thắng lớn nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này trở lại chế độ dân chủ vào năm 1983.
Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ vào giữa tháng 8 vừa qua, Hạ nghị sĩ theo đường lối cực hữu Javier Milei đã làm rúng động dư luận Argentina khi giành tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, lên tới 30,2%; Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, do liên minh cầm quyền theo đường lối trung tả Unión por la Patria (Liên minh vì Tổ quốc) đề cử đứng thứ hai, với 21,4% số phiếu ủng hộ.
Trong bài phát biểu trước người dân vào tối 19.11 (tức sáng 20.11 giờ Việt Nam), ông Milei cho biết chiến thắng đã đánh dấu sự khởi đầu của “công cuộc tái thiết Argentina”. “Tình hình của Argentina rất nguy kịch. Đất nước chúng ta cần có những thay đổi lớn. Không có chỗ cho chủ nghĩa "từ từ", không có chỗ cho các biện pháp hời hợt”. Ông nói: “Hôm nay bắt đầu sự kết thúc thời kỳ suy thoái của Argentina. Hôm nay chấm dứt mô hình bần cùng hóa, vốn chỉ mang lại lợi ích cho một số người trong khi đa số phải chịu thiệt thòi”.
Tại trung tâm thành phố Buenos Aires, hàng trăm người ủng hộ ông Milei đã bấm còi và hô vang điệp khúc nổi tiếng của ông chống lại giới tinh hoa chính trị. Một số người đốt pháo hoa khi sự phấn khích lan rộng.
Trong khi đó, ứng cử viên Massa của liên minh cầm quyền đã thừa nhận thất bại; ông nói, người Argentina “đã chọn một con đường khác”. “Tôi đã chúc anh ấy mọi điều tốt lành, bởi vì anh ấy là Tổng thống mà đa số người dân Argentina bầu trong 4 năm tới. Bắt đầu từ ngày mai, bảo đảm các chức năng chính trị, xã hội và kinh tế là trách nhiệm của tân Tổng thống. Tôi hy vọng anh ấy làm được”, ông Massa nói.
Mong muốn thay đổi của cử tri
Lucas Romero, người đứng đầu Synopsis, một công ty tư vấn chính trị cho rằng: “Việc ông Milei giành chiến thắng phần lớn là do nhu cầu thay đổi của cử tri. Họ đã mệt mỏi với những gì đang diễn ra hiện tại và cần một cái gì đó mới”.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử đã cho kết quả trái ngược. “Rất nhiều cử tri ban đầu không định bỏ phiếu cho ông Milei, họ định bỏ phiếu trống. Nhưng đến ngày bỏ phiếu, họ đã thay đổi lựa chọn của mình”, ông Andrei Roman, Giám đốc điều hành của tổ chức thăm dò ý kiến Atlas Intel có trụ sở tại Brazil cho biết. “Tôi nghĩ đây là nỗi sợ của cử tri trước nguy cơ mọi thứ giữ nguyên như cũ, nền kinh tế tiếp tục như hiện tại, lạm phát và tất cả”.
Quan điểm bảo thủ
Chiến thắng của Milei báo trước một sự rung chuyển mạnh mẽ đối với thể chế và lộ trình kinh tế của đất nước Mỹ Latin, đồng thời có thể tác động đến thương mại ngũ cốc, lithium và nhiều lĩnh vực khác.
Ông Milei, một nhà tư bản vô chính phủ như ông tự mô tả, đã hứa thực hiện một loạt cải cách triệt để, bao gồm cắt giảm 15% chi tiêu công, bãi bỏ ngân hàng trung ương và chuyển đồng peso của Argentina sang đồng dollar Mỹ.
Nhà chính trị 53 tuổi, có phong cách quyết liệt, từng được so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng đã đưa ra những quan điểm vô cùng bảo thủ về các vấn đề xã hội. Chẳng hạn ông phản đối việc giáo dục giới tính trong trường học và nạo phá thai, điều mà Quốc hội Argentine đã hợp pháp hóa vào năm 2020. Ông hoài nghi về số người thiệt mạng dưới chế độ độc tài của Argentina và cho rằng, con người không phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu.
Filipe Campante, một chuyên gia về chính trị Mỹ Latin tại Đại học Johns Hopkins, nói với Al Jazeera rằng, những lời chỉ trích của Milei nhằm vào Chính phủ đương nhiệm đã gây được cảm tình với người dân Argentina, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và giới lao động trong bối cảnh quốc gia Mỹ Latin chứng kiến tình trạng nghèo đói gia tăng và lạm phát ba con số - hậu quả của các khủng hoảng kinh tế liên tiếp trong nhiều thập kỷ.
Anh Efrain Viveros, sinh viên 21 tuổi đến từ tỉnh Salta, cho biết: “Chúng tôi đến để ăn mừng chiến thắng lịch sử này. Milei đại diện cho sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn".
“Công trường” ngổn ngang
Tân Tổng thống sẽ phải xử lý một “công trường” ngổn ngang khi ông nhậm chức vào ngày 10.12 tới, bao gồm một kho bạc Chính phủ chìm trong sắc đỏ, một trát nợ 44 tỷ USD mà Argentina nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và lạm phát lên tới 150%.
Ông cũng phải đối mặt với một cơ quan lập pháp chia rẽ có nguy cơ cản trở ông thực hiện những kế hoạch cải tổ của mình.
Chuyên gia Filipe Campante nhận định, những tháng ngày sắp tới của ông Milei sẽ không dễ dàng, do tình hình kinh tế vô vàn khó khăn. Campante nói: “Ông ấy đang thúc đẩy những ý tưởng kinh tế rất rủi ro, ví dụ như kế hoạch dollar hóa nền kinh tế”.
“Nếu Tổng thống mới thúc đẩy các kế hoạch một cách dồn dập, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ. Nếu ông ấy chọn cách tiếp cận chính thống và hài hòa hơn thì mọi chuyện sẽ tích cực hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những nhân vật như ông Milei không có ý định chọn con đường ôn hòa”.
Trong khi đó, sự thay đổi chính trị của Argentina đã mang lại sự hài lòng cho Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng chúc mừng ông Milei trên mạng xã hội. “Milei sẽ xoay chuyển tình thế đất nước và thực sự làm cho Argentina vĩ đại trở lại!”, ông Trump viết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khen ngợi Milei. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác song phương dựa trên các giá trị và lợi ích chung với Argentina”.