Sáng kiến lập pháp trên, được Thứ trưởng Bộ Tài chính Paopoom Rojanasakul thông tin mới đây, thể hiện sự thay đổi đáng kể trong chiến lược kinh tế của đất nước chùa Vàng, hứa hẹn đem lại lợi nhuận đáng kể thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ trên các lĩnh vực tài chính quan trọng
Dự luật được đề xuất, dự kiến được trình lên Quốc hội vào cuối năm nay, sẽ thành lập một cơ quan “có thẩm quyền một cửa”. Cơ quan này chịu trách nhiệm thiết lập các quy định và cấp giấy phép trên các lĩnh vực tài chính quan trọng, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, công cụ phái sinh, tài sản kỹ thuật số và bảo hiểm. Điều đó sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu, tạo thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn đa quốc gia hay các tổ chức lớn.
Cụ thể, Thái Lan sẽ tinh giản các quy định để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài; Tăng cường khuôn khổ giao dịch chứng khoán để thu hút đầu tư quốc tế; Phát triển thị trường phái sinh mạnh mẽ giúp mang lại cơ hội đầu tư đa dạng; Tạo môi trường được quản lý cho thị trường tài sản kỹ thuật số đang phát triển, bao gồm tiền điện tử và các sản phẩm tài chính số khác; Hiện đại hóa lĩnh vực bảo hiểm để hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài...
Mục tiêu và lợi ích
Thủ tướng Srettha Thavisin nhấn mạnh, dự luật hướng tới mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng dài hạn và đa dạng hóa kinh tế mà không yêu cầu Chính phủ phải có ngân sách đầu tư đáng kể. Thái Lan kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài, cũng như các chuyên gia lành nghề và ý tưởng đổi mới. Tất cả dự kiến mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế đáng kể, thúc đẩy ổn định tài chính cho quốc gia Đông Nam Á này.
Việc Thái Lan thúc đẩy đề xuất lập pháp mới diễn ra trong bối cảnh kinh tế quốc gia đang phục hồi sau đại dịch. Đất nước chùa vàng đang nỗ lực trẻ hóa nền kinh tế, vốn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến giảm doanh thu du lịch và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các nhà quan sát, tham vọng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu của Thái Lan sẽ có tác động vượt ra ngoài biên giới nước này. Là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, lĩnh vực tài chính được phát triển của Thái Lan có thể đóng vai trò là cửa ngõ cho hội nhập kinh tế khu vực. Nó có thể tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại xuyên biên giới, tăng cường quan hệ kinh tế trong ASEAN và với các thị trường toàn cầu.