Sẵn sàng bình thường mới

- Thứ Sáu, 06/05/2022, 06:20 - Chia sẻ
Sau một thời gian đấu tranh với đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới đang dần gỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch trong một nỗ lực nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, chuyển hướng sang sống chung và thích nghi với dịch bệnh.

Thay đổi cách tiếp cận

Vào thời điểm ban đầu khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia y tế thế giới chỉ nghĩ rằng đây chỉ là virus gây ra những ca bệnh liên quan đến đường hô hấp thông thường và không ngờ nó lại có thể phát tán và lây lan với tốc độ khủng khiếp, khiến cả thế giới chao đảo và gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn đến như vậy. Theo đó, cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn bởi tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nó chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội, khiến con người phải thay đổi cách nhìn nhận, thói quen, lối sống và phương thức làm việc để bảo đảm phòng, chống dịch.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi liên tục với nhiều biến thể mới. Các đột biến của nó ngày càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn khiến cuộc chiến phòng, chống đại dịch của các quốc gia ngày càng khó khăn, phức tạp. Một số biến thể của virus SARS-CoV-2 chứa các đột biến có thể khiến virus lây lan dễ dàng, gây triệu chứng bệnh nặng, khó xét nghiệm hoặc khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Tính đến nay, biến thể Delta (B.1.617.2) được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ là loại biến thể có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm nhất. Gần đây Omicron (B.1.1.529) đang là biến thể chủ đạo trên toàn cầu. Bên cạnh đó, WHO hiện đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron, trong đó có BA.2, BA.4 và BA.5, cũng như biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2.

Trong mỗi giai đoạn ứng với sự xuất hiện của các loại biến thể, các nước đều có những điều chỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Nếu như trước đây, các biện pháp đều rất nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly thì bây giờ, nhờ vào sự thành công trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19, thế giới đã phần nào giảm thiểu được khả năng chuyển biến bệnh nặng do virus gây ra, cũng như tỷ lệ nhiễm bệnh. Thế giới đã dần thích ứng với đại dịch và chấp nhận sống chung với nó.

Sẵn sàng mở cửa trở lại

Khi thế giới đã có định hướng sống chung với đại dịch, mọi hoạt động kinh tế - xã hội cũng được khôi phục trở lại đặc biệt là ngành du lịch, hứa hẹn sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia đã đồng loạt dỡ lệnh cấm du lịch, cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine.

Tại Liên minh châu Âu (EU), khu vực này cho phép những du khách đã tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 được vào châu Âu du lịch, mũi thứ hai cách ngày nhập cảnh ít nhất hai tuần, và không quá 270 ngày. Trong khi đó, Ba Lan yêu cầu khách du lịch từ ngoài khối Schengen có giấy chứng nhận tiêm chủng và kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính Covid-19 trong 24 giờ trước khi nhập cảnh. Đức yêu cầu khách quốc tế điền đơn đăng ký kỹ thuật số, có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ hoặc kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19.

Tại châu Á, là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch, Singapore sẽ dành gần 500 triệu đôla Singapore (khoảng 367,55 triệu USD) để phục hồi ngành du lịch nước này. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 1,1 triệu lượt khách du lịch từ Đông Nam Á trong năm 2022. Thái Lan đã chuẩn bị một lộ trình để xác định Covid-19 là một bệnh đặc hữu trong những tháng tới nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế trong nước và thu hút thêm nhiều khách nước ngoài. Nước này hy vọng sẽ đón được 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022. Mặc dù mỗi nước đều có những quy định riêng trong công tác phòng, chống dịch, nhưng về cơ bản, các nước đều đã và đang đẩy mạnh các hoạt động du lịch trong và ngoài nước nhằm thích ứng và sống chung với dịch bệnh.

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19 từ hôm 18.4, riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới. Với quyết định mới trên, Hàn Quốc đã chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc hơn hai năm thực hiện các biện pháp giãn cách.

Triển vọng tích cực trong năm 2022

Sau nhiều khó khăn, việc mở cửa cho du lịch và khôi phục ngành du lịch là yêu cầu tất yếu và cấp bách, bởi đây chính là một động lực lớn cho tăng trưởng toàn cầu, qua đó vực dậy nền kinh tế thế giới. Việc các nước bắt đầu nối lại hoạt động du lịch kể từ nửa cuối năm ngoái đã mang lại kết quả khả quan. Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa cho du khách quốc tế. Các nước châu Á cũng từng bước thí điểm khôi phục hoạt động ở quy mô nhỏ đối với từng điểm du lịch, tiến tới mở cửa hoàn toàn. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được, hầu hết các khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế.

Về phía khách du lịch, theo Báo cáo của American Express Travel về xu hướng du lịch toàn cầu năm 2022 mới được công bố gần đây, khách du lịch đang mong chờ nhiều chuyến đi hơn để bù đắp những khoảng thời gian đã mất và dự định chi tiêu nhiều hơn hoặc tương đương cho các chuyến du lịch vào năm 2022 so với một năm điển hình trước đại dịch. Mặc dù thu nhập của nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng mặt khác cuộc khủng hoảng này lại giúp một số nhóm người, đặc biệt là những nhà chuyên môn có thể làm việc tại nhà, tiết kiệm được nhiều hơn.

Theo báo cáo chung của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) và trang web Trimp.com công bố vào hồi tháng 11.2021, khoảng 70% du khách tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Nhật, có dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch trong năm 2022 so với giai đoạn 5 năm vừa qua. Dữ liệu của HomeToGo cho thấy chi tiêu bình quân cho các đơn đặt dịch vụ trên nền tảng này trong năm 2021 đã tăng 54% so với năm 2019. Đặc biệt, du khách Mỹ hiện có xu hướng tìm kiếm những điểm đến yên tĩnh hơn và xa xỉ hơn dù chuyến đi tốn kém hơn, 32% du khách Mỹ sẵn sàng chi nhiều hơn để tới những địa điểm nghỉ dưỡng chất lượng. Có thể coi việc tăng khả năng chi tiêu là một dấu hiệu tốt do chi phí đi lại đã tăng lên ở một số nơi.

Dù những trở ngại đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn nhiều nhưng chính những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của các nước đã mang tới những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần lớn làm khôi phục nền kinh tế thế giới trước những tác động to lớn của đại dịch, cũng như những khó khăn khác.

Nguồn: The Guardian 

Vẫn cần thận trọng

Bên cạnh đó, mặc dù những triển vọng về sự phục hồi kinh tế được cải thiện phần nào, nhưng do nhiều nước đã cắt giảm và loại bỏ dần các chương trình giám sát và xét nghiệm Covid-19. Điều này khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát. Vì vậy, WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Người dân khi ra ngoài vẫn nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín. Với những người ở trong nhà, hãy giữ không khí trong lành bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời đầu tư vào hệ thống thông gió tốt.

Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của WHO Didier Houssin khẳng định, việc phục hồi lại nền kinh tế là điều tất yếu, nhưng hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, các biện pháp y tế công cộng, và đặc biệt không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng. Thực tế cho thấy, dù các ca F0 vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí tại một số khu vực dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng, song bức tranh chung toàn cầu đã mang màu sắc tươi tắn hơn. Mở cửa kinh tế, thúc đẩy du lịch, dỡ bỏ dần các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm sống chung an toàn chính là chìa khóa để góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường bền vững hơn.

Như Ý