Nhiệm vụ không đơn giản

- Thứ Bảy, 23/04/2022, 06:10 - Chia sẻ
Tháng trước, cử tri Hàn Quốc đã bầu cựu công tố trưởng nổi tiếng Yoon Suk-yeol làm nhà lãnh đạo tiếp theo của mình, thay thế cho Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in sắp mãn nhiệm vào tháng 5 tới. Chiến thắng của ứng cử viên đảng Quyền lực nhân dân bảo thủ sẽ có ý nghĩa như thế nào với Hàn Quốc và Đông Á, khi mà những thách thức ông sắp phải đối mặt sau bầu cử là vấn đề nhà ở và đặc biệt là việc làm…

Hai thách thức then chốt

Theo PS, đây chính là hai thách thức chính sách - kinh tế mà Tổng thống tương lai của Hàn Quốc phải đối mặt. Thực tế, giá nhà đất tăng vọt vốn là vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống và cũng là lý do chính khiến ứng cử viên đại diện cho đảng Dân chủ cầm quyền Lee Jae-myung thua cuộc trong cuộc bầu cử, dù chênh lệch tỷ số giữa hai đối thủ rất sát sao.

Nguồn: ITN

Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đương nhiệm từng đưa ra một số chính sách nhằm ổn định giá nhà ở, bao gồm tăng thuế tài sản đối với nhiều chủ nhà, thắt chặt các quy định về việc xây dựng lại các căn hộ, đồng thời đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các khoản vay thế chấp. Tuy nhiên, cách tiếp cận tập trung vào nhu cầu này lại tỏ ra không hiệu quả. Các chủ nhà phẫn nộ với việc tăng thuế; hạn chế nguồn cung căn hộ tân trang lại khiến giá tiếp tục tăng; và thị trường nhà đất nghiêng nhiều về người mua có tiền mặt. Do đó, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol chắc chắn sẽ phải đối phó với tình trạng giá nhà tăng vọt bằng các chính sách tập trung vào việc tăng nguồn cung, cũng như giảm can thiệp của Chính phủ vào lĩnh vực nhà ở, bao gồm cả việc nới lỏng các quy định về tái thiết và cho vay.

Ưu tiên thứ hai trước mắt của chính quyền mới còn phải kể đến việc giải quyết các vấn đề khó khăn về việc làm, bao gồm cả sự phân cực ngày càng tăng trên thị trường lao động và tình trạng thiếu việc làm tốt cho thanh niên. Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in từng cố gắng tăng cường an ninh kinh tế của người lao động bằng cách thay đổi các hợp đồng cố định hoặc tạm thời thành các hợp đồng không thời hạn. Chính quyền cũng thắt chặt các quy định về môi trường và an toàn tại nơi làm việc, đưa ra quy tắc mỗi tuần làm việc 52 giờ đối với các doanh nghiệp có từ 50 nhân viên trở lên và tăng mức lương tối thiểu.

Song những nỗ lực đó vẫn không thể phát huy được cho phân khúc thị trường lao động Hàn Quốc giữa người lao động được bảo vệ quá mức tại các tập đoàn lớn (chaebols) và người lao động ít được bảo vệ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong phân khúc đầu tiên, các công ty theo đuổi tự động hóa bất cứ khi nào có thể, thay vì thuê nhiều nhân công hơn với giới hạn giờ làm việc nghiêm ngặt và mức lương cao hơn. Về phần mình, các doanh nghiệp SME Hàn Quốc, vốn có thị phần trên thị trường lao động khá lớn so với nhiều quốc gia tương đương và hay thuê nhiều lao động mức lương tối thiểu hơn, đã phải vật lộn để đáp ứng các yêu cầu mới, thậm chí buộc phải sa thải nhân công.

Thúc đẩy tính linh hoạt của thị trường lao động

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết, chính quyền của ông sẽ tìm cách đưa ra các biện pháp thúc đẩy tính linh hoạt của thị trường lao động, đồng thời cung cấp mạng lưới an toàn mạnh mẽ hơn cho người lao động ít được bảo vệ. Tuy nhiên, có vẻ tầm nhìn này của ông, mô phỏng theo mô hình Bắc Âu, chưa được các liên đoàn lao động Hàn Quốc hoan nghênh.

Cải cách thị trường lao động cũng có thể giúp chính quyền sắp tới giải quyết thách thức dài hạn, nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiềm năng và thực tế. Theo các nhà phân tích, cho đến nay, Hàn Quốc đang theo sát con đường của Nhật Bản, với tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh góp phần khiến tăng trưởng GDP giảm một điểm phần trăm sau mỗi 5 năm.

GDP bình quân đầu người của Nhật Bản (tính theo sức mua tương đương) lên tới 70% của Mỹ vào đầu những năm 2000, và duy trì bằng hoặc thấp hơn mức đó trong hơn hai thập kỷ. Năm 2020, Hàn Quốc đã đạt đến mức đó. Câu hỏi đặt ra là liệu đất nước kim chi có thể tiếp tục phát triển và tránh được những “thập kỷ mất mát” theo kiểu Nhật Bản hay không.

Điều này sẽ không dễ dàng, ít nhất là bởi cách tiếp cận hiển nhiên như đầu tư vốn vật chất không có khả năng mang lại nhiều hiệu quả. Xét cho cùng, tỷ lệ đầu tư cố định của Hàn Quốc, tính theo tỷ trọng GDP, đã cao hơn nhiều so với các nước tương đương.

Cuối năm 2002, Đức đưa ra “Kế hoạch Hartz” (Hartz là tên của Chủ nhiệm Ủy ban cải cách lao động khi đó), bao gồm những biện pháp cải cách thị trường lao động và phúc lợi, từ đó giúp nước này tiến một chặng đường dài trong việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng. Các nhà quan sát cho rằng, Hàn Quốc có nhiều không gian để thực hiện các cải cách tương tự nhằm thúc đẩy năng suất lao động và mở rộng lực lượng lao động, đặc biệt là bằng cách thu hút nhiều phụ nữ hơn.

Năm 2018, chỉ có khoảng 60% phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 35 - 39 tham gia lực lượng lao động, so với khoảng 80% ở Đức. Nhìn chung, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ của Hàn Quốc nằm trong nhóm thấp nhất trong OECD, theo sau là Nhật Bản. Tính linh hoạt của thị trường lao động thiếu là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ tham gia thấp. Một vấn đề khác là thiếu các lựa chọn giữ trẻ chất lượng cao, giá cả phải chăng. Trên thực tế, Hàn Quốc là nơi đắt nhất thế giới để nuôi con từ sơ sinh đến 18 tuổi, được tính bằng phần trăm GDP bình quân đầu người.

Đó là lý do tại sao Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cũng cam kết cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội, từ dịch vụ chăm sóc trẻ em dễ tiếp cận đến giáo dục giá cả phải chăng hay các cơ hội đào tạo và nâng cao kỹ năng. Theo quan điểm của ông, các chính sách phúc lợi này cũng là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Linh Anh