Không đơn thuần là giao thương

- Thứ Tư, 27/04/2022, 04:36 - Chia sẻ
Mặc dù chuyến công du Nhật Bản và Singapore vừa qua không phải là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nhưng lại là lần đầu tiên vị nữ Thủ tướng bước ra khỏi biên giới trong vòng 781 ngày, đúng kể từ tháng 2.2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới. Chính phủ New Zealand gọi chuyến đi là một “sứ mệnh thương mại” để chứng tỏ rằng “New Zealand mở cửa cho hoạt động kinh doanh”. Nhưng liệu đó có chỉ đơn thuần là giao thương?

Củng cố mối quan hệ thương mại lý tưởng

Nếu thương mại là trọng tâm, thì việc lựa chọn điểm đến của bà Ardern khá rõ ràng: Nhật Bản là đối tác thương mại hai chiều lớn thứ tư của New Zealand, trong khi Singapore là đối tác lớn thứ năm. Kết hợp lại, chúng đại diện cho khoảng 15 tỷ đô la NZ của thương mại hai chiều.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern trong chuyến thăm Nhật Bản tuần trước
Nguồn: NZherald

Hiện nay, mối quan hệ thương mại vô giá giữa New Zealand và hai đối tác của mình hầu như không có trở ngại hay rào cản. New Zealand đã có các hiệp định thương mại tự do toàn diện (hoặc FTA) với cả Singapore và Nhật Bản. Thỏa thuận với Singapore là FTA lâu đời thứ hai của New Zealand, được ký kết vào năm 2000 và được nâng cấp vào năm 2019.

Trên thực tế, thỏa thuận ban đầu với Singapore chính là cơ sở để tạo nên văn kiện mà cuối cùng trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một thỏa thuận đa phương giữa 11 quốc gia xung quanh Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm New Zealand, Singapore và Nhật Bản.

Có hiệu lực vào cuối năm 2018, CPTPP đã cắt giảm hoặc xóa bỏ đáng kể thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của New Zealand vào Nhật Bản. Ví dụ, hầu hết các loại thuế thủy sản sẽ được xóa bỏ vào tháng 4.2023, trong khi thuế đối với táo sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2028.

Ngoài thương mại, cũng có một số trở ngại trong mối quan hệ song phương giữa New Zealand với Singapore hoặc Nhật Bản, đặc biệt là sau khi Tokyo kết thúc chương trình săn bắt cá voi ở Nam Đại Dương vào năm 2018. Trên thực tế, theo nhiều cách, quan hệ của New Zealand với Singapore và Nhật Bản không thể tốt hơn,

“Món chính” trên bàn làm việc

Nhưng chuyến đi của Thủ tướng Jacinda Ardern còn nhiều điều hơn là thương mại. Kể từ ngày 24.2, thế giới dường như bị chia cắt qua đường đứt gãy địa chính trị mới ở Ukraine. Và khá thuận lợi cho bà Ardern, khi New Zealand, Nhật Bản và Singapore đều có chung lập trường khi phản ứng với sự kiện này. Thực tế, cả 3 nước đều nằm trong danh sách “các quốc gia không thân thiện” với Nga.

Các biện pháp trừng phạt là bước đầu tiên. Đối với New Zealand, quyết định trừng phạt Nga vào tháng 3 đánh dấu lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp dụng. Những động thái tương tự cũng khá hiếm hoi đối với Singapore và Nhật Bản. Quyết định đứng về phía phương Tây của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng Ukraine nghe có vẻ quen thuộc với New Zealand, quốc gia cũng đã tự định hình lại chính sách đối ngoại của mình theo hướng tương tự. Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, Wellington đã nhích lại gần phương Tây bằng cách nâng cấp hỗ trợ cho Kiev gần như hàng tuần.

Tất nhiên, mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt lớn giữa New Zealand, Nhật Bản và Singapore. Xét cho cùng, trong khi New Zealand và Singapore đều là các quốc gia nhỏ và có dân số tương tự nhau, thì Nhật Bản là một thành viên G7 và là một gã khổng lồ về kinh tế với quy mô GDP lớn thứ ba trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu đó, Nhật Bản cũng là nước đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cùng với Australia, Ấn Độ và Mỹ, Nhật Bản là thành viên chủ chốt của Đối thoại An ninh Tứ giác - gọi tắt là Quad - một nhóm tương đối mới mà Tokyo đã từng sử dụng để có lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc. Thậm chí, mới đây còn có thông tin được báo cáo (dù sau đó đã bị phủ nhận), rằng Nhật Bản đã được mời tham gia liên minh AUKUS cấp cao mới giữa Australia, Anh và Mỹ.

Chính sách đối ngoại của New Zealand có thể đang nghiêng về phương Tây, nhưng không cùng quan điểm với Nhật Bản. Trong khi đó, Singapore lại tỏ ra gần gũi hơn với New Zealand, đặc biệt là liên quan đến AUKUS, mà quan điểm của cả hai quốc gia đều từ trung tính đến tích cực. Khi AUKUS được tuyên bố thành lập vào tháng 9.2021, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khi đó đã phát biểu: “Chúng tôi hy vọng rằng những thỏa thuận mới này sẽ đóng góp một cách xây dựng vào hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng tôi”. Và những lời lẽ này không khác biệt với những gì mà bà Ardern tuyên bố khi đó: “Chúng tôi hoan nghênh sự can dự ngày càng tăng cường của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ trong khu vực”.

Trở lại chuyến công du lần này, rõ ràng việc bà Ardern xây dựng “hình ảnh thương mại cho phái đoàn công du của mình” là một hành vi thông minh, giúp New Zeland thu hút được chú ý vào mong muốn mở cửa lại du lịch sau hai năm Covid-19 hơn là về những vấn đề nhạy cảm này. Trên thực tế, thành công của chuyến đi công du châu Á cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp động lực cho ngành du lịch New Zealand mà bà Ardern mong muốn được bảo đảm .

Nhưng thực tế, với các vấn đề thương mại hiện đã được giải quyết phần lớn và quan hệ song phương tổng thể của New Zealand với cả Nhật Bản và Singapore đang trong tình trạng không thể tốt hơn, các vấn đề nhạy cảm hơn như thỏa thuận an ninh gần đây của Trung Quốc với Quần đảo Solomon và tác động của những điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Nga và Ukraine mới là những món chính trong các cuộc trò chuyện của Thủ tướng Ardern ở hậu trường với những người đồng cấp trực tiếp của bà là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản. Mặc dù khi được hỏi về yếu tố Trung Quốc trong chuyến đi của mình, bà Ardern thường trả lời một cách khéo léo và ngoại giao rằng: "Chúng tôi đang ở trong một khu vực ngày càng tranh chấp, điều đó gây áp lực lên an ninh khu vực”.

Năm 1980, vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ là Robert Muldoon đã tuyên bố: “Chính sách đối ngoại của chúng tôi là thương mại”. Hơn 40 năm sau - và giữa một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và phương Tây, giữa Trung Quốc và Mỹ, tuyên bố nghe có vẻ đơn giản này có lẽ phức tạp hơn nó đã từng xảy ra. Và việc điều hướng giao lộ thương mại với thực tế địa chính trị mới là chính là nhiệm vụ không đơn giản trong chuyến thăm của bà Jacinda Ardern đến châu Á.

Đạt Quốc