Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo

- Thứ Bảy, 24/09/2022, 06:07 - Chia sẻ

Hôm qua, đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2022) - một mốc son trong lịch sử hào hùng của dân tộc, của miền Nam “thành đồng Tổ quốc” và của Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương vào thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh - thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Bác Hồ.

Chuyến thăm và làm việc, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là “hết sức có ý nghĩa, thể hiện tình cảm rất sâu đậm và đặc biệt của Người đứng đầu Đảng ta với đồng bào Nam Bộ cùng sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, chuyến thăm và làm việc diễn ra đúng vào thời điểm "hết sức quan trọng để Người đứng đầu Đảng ta chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố sau khi thành phố vừa trải qua thời kỳ chống dịch bệnh Covid-19 vô cùng gian khổ và đang phục hồi, phát triển mạnh mẽ".

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều phục hồi, phát triển mạnh

Là một trong những địa phương ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta (từ ngày 27.4 đến hết tháng 9.2021). Trong thời đoạn cam go đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập hợp được sự chung sức đồng lòng của người dân thành phố và sự ủng hộ của các địa phương cả nước và bạn bè quốc tế. Thành phố xác định rõ mục tiêu kép, nhưng đặt yêu cầu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, khi đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch luôn chú trọng hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất kinh doanh. Thành ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi ngay khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

Từ đợt đại dịch vừa qua, bài học được rút ra, như chia sẻ của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đó là “Thành phố cần có một chiến lược, kế hoạch sẵn sàng ứng phó với những tình huống phi truyền thống như Covid-19. Đồng thời, quan tâm chăm lo và giải quyết tốt các vấn đề xã hội của một đô thị lớn như: bố trí dân cư, nhà ở, y tế, an sinh xã hội…; đồng thời phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng và trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của cơ sở”.

Với những nỗ lực, bản lĩnh và quyết tâm ở mức cao nhất như vậy, nên nếu như năm 2021, do đợt bùng phát dịch lần thứ tư, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%, thì từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng trở lại mạnh mẽ và vững chắc hơn, bất chấp những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế cũng như kinh tế thế giới. GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 3,82% từ mức giảm rất sâu của quý III, quý IV.2021 tương ứng âm 24,97% và âm 11,64%; dự kiến 9 tháng năm nay đạt 9,71% và đến hết năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 9,44%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (khoảng 7%). Quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch Covid-19. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm nay đạt trên 90% so với dự toán, tương đương 350 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt cao nhất trong cả nước. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, phát triển mạnh.

Những kết quả đạt được, đặc biệt là tốc độ phục hồi và phát triển sau đại dịch đã một lần nữa cho thấy sức vươn mạnh mẽ của thành phố luôn được mệnh danh là “rất trẻ”, năng động, có nhiều đổi mới, sáng tạo rất quyết liệt với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, và luôn là nơi khởi đầu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá trong phát triển kinh tế của cả nước.

Tạo điều kiện tốt nhất để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn nữa

Dẫu vậy, đúng như báo cáo của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra, thì bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, thì thành phố đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của thành phố. Vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Và một trong “ba khó khăn rất lớn” của thành phố, cũng là những “điểm nghẽn” tăng trưởng mà cả nước nêu ra đều đang bộc lộ rõ ở thành phố Hồ Chí Minh, như trao đổi của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại cuộc làm việc, đó là kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Vì thế, thành phố cần “khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các khâu đột phá, nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp”, Thường trực Ban Bí thư đề xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, “phải thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ thành phố”. Vì rằng, “truyền thống của thành phố là năng động, sáng tạo, mạnh mẽ, đi đầu trong đổi mới; trước đổi mới và trong giai đoạn đầu của đổi mới, thì thành phố Hồ Chí Minh là nơi các điểm sáng luôn xuất hiện...”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Tinh thần và truyền thống năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới đó thể hiện ngay trong những kiến nghị, đề xuất rất cụ thể, xác đáng, thiết thực của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với Tổng Bí thư, với Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ. Đây đều là những kiến nghị “xuất phát từ thực tiễn phát triển, từ mong muốn tìm tòi, không ngừng đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố; và đây cũng chính là yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, để thành phố Hồ Chí Minh thực sự tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo”. Nhấn mạnh điều này, ngay tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước""Cả nước vì thành phố Hồ Chí Minh"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Xây dựng thành phố "giàu có" về lịch sử, văn hóa, tình người, khát vọng vươn lên

Từ trước đến nay, nhất là trong hơn 35 năm Đổi mới vừa qua, khi nói đến thành phố Hồ Chí Minh thường chúng ta nói nhiều về vai trò “đầu tàu”, “động lực”, “có sức thu hút và lan tỏa lớn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, “trung tâm lớn về kinh tế”... Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố có truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đến nay. Song, bên cạnh vai trò rất quan trọng đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng là “nơi có chiều sâu văn hóa rất lắng đọng, “nơi hội tụ của những con người hào hiệp, thấy chuyện bất bình chẳng tha”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chia sẻ.

Với cái nhìn toàn diện và biện chứng, Người đứng đầu Đảng ta mong rằng, thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố để “Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Trong đó, cần phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xóa bỏ cho bằng được các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, tội phạm; giảm tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn cho Nhân dân, để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một "Thành phố "giàu có" - giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên”, Tổng Bí thư tin tưởng gửi gắm.

Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng mà Tổng Bí thư đề nghị thành phố Hồ Chí Minh quan tâm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, đó là thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; coi đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.

Thực tế vừa qua cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của thành phố trên một số mặt còn hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt của thành phố vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật đảng và xử lý hình sự. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng bộ.

Chỉ rõ điều này, Tổng Bí thư hoan nghênh thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù. Đây chính là điểm đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương. Nhưng, “phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm”, Tổng Bí thư căn dặn.

Đây là chuyến thăm và làm việc thứ 15 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào “Thành phố mang tên Bác” trên cương vị Người đứng đầu Đảng ta. Trong các chuyến thăm và làm việc, Tổng Bí thư đều dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố cùng đồng bào Nam Bộ những tình cảm sâu nặng với niềm tin yêu và kỳ vọng lớn lao về sự phát triển của thành phố. Và lần này, điều mà Người đứng đầu Đảng ta “mong đợi và tin tưởng”, đó là trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh "rực rỡ tên vàng" sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới mạnh hơn nữa; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa; phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ, xứng danh "Đất thép, Thành đồng", "Hòn ngọc của Viễn Đông", "Niềm tin yêu và tự hào của cả nước".

Niềm mong đợi và tin tưởng đó được Người đứng đầu Đảng ta gửi gắm qua những ca từ rất hào hùng, da diết trích từ bài hát nổi tiếng viết về chính thành phố này, đó là thực sự để “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta/ Đã viết nên thiên anh hùng ca/ Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời”.

Thanh Tâm