Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn

Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn -0

Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022

 Sau một ngày làm việc, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp. Diễn đàn được tổ chức với 2 Phiên chuyên đề và 1 phiên toàn thể, toạ đàm cấp cao đã thu hút hơn 450 đại biểu Trung ương và địa phương tham dự; kết nối trực tuyến với 6 học viện, trường đại học với khoảng 600 giảng viên, sinh viên theo dõi Diễn đàn, đây là sáng kiến để tăng tính tương tác của Diễn đàn tốt hơn. 

Tại các phiên chuyên đề và toạ đàm cấp cao đã có 44 ý kiến của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Theo báo cáo của Ban Tổ chức, trong buổi sáng đã có hàng triệu lượt xem livestream trên các nền tảng số, mạng xã hội.

Nghị quyết 43 tạo động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân

Phiên họp toàn thể, toạ đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề hết sức chất lượng. Sau Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có báo cáo tổng thuật và kèm theo kỷ yếu gửi đến các đại biểu Quốc hội và tất cả các ban, bộ, ngành Trung ương để cung cấp thông tin cho công tác hoạch định chủ trương chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không chỉ trong ngắn hạn mà có cả những vấn đề về dài hạn.

Ý kiến tại Diễn đàn rất phong phú nhưng đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam có sự thống nhất, đồng thuận rất cao. Trong đó, tôi điểm lại 4 vấn đề:

Một là, dịch bệnh Covid-19 với những hậu quả nặng nề cả về kinh tế, xã hội nhưng với sự chung tay phòng, chống của cả thế giới đã cơ bản kiểm soát được để mở cửa trở lại trong năm 2021 và đang trên đà phục hồi thì lại phát sinh ra những tình huống mới. Cho đến nay, dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp, bằng chứng là khách du lịch quốc tế không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vẫn đang rất khó khăn, nguy cơ dịch chồng dịch.

Hai là, xung đột Nga - Ucraina làm trầm trọng thêm những khó khăn, thách thức mà thế giới đã phải đương đầu trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giá lương thực, giá năng lượng tăng rất cao. Do đó, tình hình thế giới đã xuất hiện yếu tố vừa đình đốn vừa lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu, như các diễn giả nói là “tăng trưởng giảm một nửa nhưng lạm phát tăng gấp đôi”, xảy ra ở nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có cả những đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu. 

Ba là, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy đã thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.

Bốn là, công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng trên thế giới đang diễn ra rất khẩn trương, một mặt tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách. Chúng ta có thể tham gia tích cực, chủ động để đạt được mục tiêu của mình.

Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn -0
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022.

 Các diễn giả, chuyên gia đều đưa ra những đánh giá rất tích cực với Việt Nam và cho rằng, có vẻ Việt Nam hơi ngược dòng so với thế giới - ở đây là ngược tốt. Thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát cao thì Việt Nam duy trì được lạm phát thấp với khả năng đánh giá thận trọng nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tăng trưởng trên 7%, lạm phát dưới 4%. 

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 750 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các chỉ số về khả nắng chống chịu, thích ứng, năng lực tự cường của nền kinh tế nước ta mới chỉ nằm ở dải trung bình và khá. Chúng ta cũng chịu tác động rất nặng nề về dịch bệnh, thiên tai. Áp lực về kinh tế vĩ mô là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã kiểm soát tốt vĩ mô. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Rõ ràng, chúng ta đã có dự báo, phân tích, ứng xử rất bình tĩnh, như các diễn giả và chuyên gia đều cho rằng Việt Nam đã đi đúng đường ray, các chính sách vĩ mô đều đúng hướng. 8 tháng đầu năm nay, nền kinh tế - xã hội có 8 - 9 điểm sáng. 

Về đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, hai Nghị quyết này là "sản phẩm" được ban hành theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, Khoá XIII, đã được các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội thảo luận ở rất nhiều phiên, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Nghị quyết 43 được ban hành đã tạo động lực và niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đạt được sự đồng thuận rất cao, tác động toàn diện cả tổng cung và tổng cầu, sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn chính sách tiền tệ, ban hành đúng lúc, kịp thời với tinh thần tự tin trong dư địa chính sách, mà như nhiều diễn giả đã nói “ơn giời nhờ có các chính sách tài khoá, tiền tệ trong thời gian qua mà nền tảng vĩ mô và khả năng chống chịu của nền kinh tế đã khá tốt”. 

Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn -0

 Việc đánh giá hiệu quả của Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ không chỉ dừng lại ở hai Nghị quyết này mà còn liên quan đến hàng loạt chính sách đã được Đảng, Nhà nước ta ban hành và triển khai thực hiện trong cả năm 2019, 2020. Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiếp tục học tập kinh nghiệm của thế giới, chi tiền mặt nhiều hơn cho người dân. Đây là biện pháp Việt Nam cũng đã tính đến, nhưng trên thực tế, các giải pháp mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua đi theo phương pháp tổng hợp hơn và phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Về công tác tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên, tôi tán thành với ý kiến đánh giá của các cơ quan, Chính phủ đã làm rất nghiêm túc và rất tích cực, nhất là trong khâu ban hành thể chế. Cơ bản chính sách đã ban hành xong hết, đương nhiên có độ trễ, một số chính sách còn chậm, nhưng đã tích cực, nỗ lực, cố gắng trong quá trình triển khai.

Phải khắc phục được tình trạng “doanh nghiệp ngại vay, ngân hàng cũng ngại cho vay"

Tôi muốn lưu ý thêm một số vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Diễn đàn. Trong đó, về nguyên nhân của lạm phát trên thế giới: một số diễn giải cho rằng chủ yếu là do yếu tố đứt gãy nguồn cung chứ không phải do chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cần phân tích kỹ vấn đề này, tùy từng giai đoạn nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố hay không? Tác động như thế nào? Các diễn giả cũng cho rằng, cần có sự linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ; kiên định thực thi chính sách về tài khóa hiện nay thì dư địa được mở rộng hơn. Chúng ta muốn vừa kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng đồng thời có sự linh hoạt theo diễn biến thị trường thì phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân của lạm phát. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu, phân tích đối với luận điểm cho rằng việc dự toán thu ngân sách quá thận trọng vừa qua đã làm cho Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa.

Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022

Về room tín dụng, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV đã giải đáp vấn đề này. Kinh tế vĩ mô của chúng ta có những điểm khác, nên không nóng vội được. Qua Diễn đàn lần này, chúng ta khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn, giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Câu chuyện không chỉ là tổng mức tín dụng mà quan trọng còn là cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng, phải tiếp tục tính toán cơ cấu tín dụng để đưa dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực có dư địa tăng trưởng. Cần phải khắc phục được tình trạng “doanh nghiệp ngại vay mà ngân hàng cũng ngại cho vay”. Tại sao cũng là vốn vay hỗ trợ lãi suất mà qua Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng nông nghiệp đều giải ngân rất tốt còn qua các tổ chức tín dụng khác thì lại nói “sợ giải ngân, sợ đi vay, sợ không dám đi vay. Nói thế là không thuyết phục”. Tổ chức tín dụng không phải cứ chăm chăm “sống” bằng tín dụng mà phải tăng cường doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, tăng cường tiềm lực cho các ngân hàng, kể cả biện pháp tăng nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại...

Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, tiền tệ, bất động sản…, đây đều là “mạch máu” của nền kinh tế. Do đó phải bảo đảm lưu thông lành mạnh, phát triển bền vững. Diễn đàn đã thống nhất rất cao phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, khơi thông các loại thị trường, khắc phục các khiếm khuyết, khuyết tật của từng loại thị trường và tạo điều kiện cho các thị trường phát triển lành mạnh, thông suốt, kết nối thị trường trong nước với quốc tế.

Tập trung mục tiêu trước mắt, nhưng không được quên mục tiêu dài hạn -0

Một trong những kết quả của Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất về việc ngoài tập trung cho các mục tiêu trước mắt thì không được quên mục tiêu dài hạn, cụ thể là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, 2045 đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Tôi rất vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức như hiện nay, nhưng các ý kiến đều đạt sự đồng thuận, thống nhất về các mục tiêu này. Với tầm nhìn dài hạn đó, Diễn đàn thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, đặc biệt trước mắt là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai. Thể chế phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng là vấn đề cần phải có kế hoạch để hành động ngay. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh, về quy hoạch...

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan phối hợp tổ chức, tôi trân trọng cảm ơn sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, đại biểu, chuyên gia, đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế đã tham gia trực tiếp và trực tuyến, gửi phát biểu tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc đến Diễn đàn, góp phần vào thành công chung của Diễn đàn. Đặc biệt là sự tham gia thông tin tuyên truyền của đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đã gia tăng tương tác, lan tỏa thông tin về Diễn đàn. Tôi mong rằng, kết quả của Diễn đàn tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo và tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia, theo dõi của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và giới truyền thông. 

______

* Đầu đề do Báo ĐBND đặt