Tờ trình về Dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy, sau 12 năm thực hiện Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và cộng cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định. Các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được quản lý chặt chẽ, trang bị đúng đối tượng và sử dụng đúng múc đích; công tác bảo quản, kiểm kê vũ khí, công cụ hỗ trợ từng bước đi vào nền nếp; việc sản xuất, cung ứng và sử dụng, cấp giấy phép vận chuyển, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh được thực hiện đúng quy trình và đối tượng. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Công an các địa phương, trong 12 năm qua đã xảy ra 4.535 vụ, làm 1.737 người chết và 2.352 người bị thương, trong đó dùng vũ khí, vật liệu nổ gây án là 1.165 vụ; công cụ hỗ trợ trái phép là 450 vụ.
Đa số các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong điều kiện tình hình KT - XH của đất nước đã có nhiều thay đổi, việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phức tạp; số vũ khí, bom, đạn nằm trong lòng đất còn khá nhiều nhưng chưa có điều kiện xử lý triệt để.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh đối với tất cả các loại vũ khí như quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 là quá rộng, nhiều nội dung chưa phù hợp với vũ khí tập thể. Hiện nay, nhiều loại vũ khí trong quân đội được sử dụng từ hai người trở lên (vũ khí tập thể) như pháo, dàn pháo, bệ phóng tên lửa… trang bị cho lục quân, hải quân, phòng không không quân đã và đang được Bộ Quốc phòng quản lý và sử dụng chặt chẽ theo Quy chế, quy định rất nghiêm ngặt đối với từng chủng loại vũ khí, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của từng quân chủng, bình chủng. Vì vậy, đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị Pháp lệnh này chỉ điều chỉnh các loại vũ khí trang bị cho cá nhân, loại vũ khí mà nếu lọt vào tay tội phạm và những phần tử xấu để hoạt động phi pháp thì có thể gây nguy hại cho xã hội như các loại súng trung liên, súng tiểu liên, súng cacbin, súng ngắn, súng trường; vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, Ban soạn thảo đã chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc; đồng thời đồng ý với những cách đặt vấn đề của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh trong việc xác định 8 vấn đề cần phải làm rõ thêm. Tuy nhiên, cần bổ sung trong quan điểm chỉ đạo xây dựng pháp lệnh một số vấn đề như bảo đảm tính khả thi của pháp lệnh; tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nguyên tắc phối hợp giữa các lực lượng; đặc biệt cần đề cao tính nhân dân trong pháp lệnh, nhận thức của quần chúng đối với pháp lệnh này rất quan trọng.
Những quy định về đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trường hợp được nổ súng cũng nhận được sự quan tâm của các Ủy viên UBTVQH. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 3 dự thảo Pháp lệnh thì vũ khí thuộc nhóm súng quân dụng có nhiều chủng loại khác nhau. Thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp nổ súng gây chết người hoặc bị thương phải khởi tố vụ án hình sự. Do đó, UBTVQH đề nghị, ngoài lực lượng vũ trang, việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng khác phải căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh để quyết định trang bị cho phù hợp. Các lực lượng này, phổ biến chỉ nên trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ làm tê liệt khả năng kháng cự của đối tượng hoặc làm vô hiệu hóa hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với những cơ quan, tổ chức có yêu cầu cao trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nguyên hiểm thì có thể trang bị súng ngắn và súng trường nhưng phải có quy định quản lý, sử dụng thống nhất; không nên trang bị súng trung liên, tiểu liêu, vì đây là loại súng có khả năng sát thương lớn.
Đối với các trường hợp được nổ súng, UBTVQH thấy rằng, nổ súng là việc rất hệ trọng, có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người và những hệ lụy chính trị khác. Các luật, pháp lệnh liên quan có quy định trang bị vũ khí cho một số lực lượng nhưng đều chưa quy định cụ thể được nổ súng trong trường hợp nào mà chỉ quy định chung là “sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật”, từ Pháp lệnh Cảnh sát biển. Do đó, Pháp lệnh này cẩn thiết phải quy định cụ thể về nội dung này.
Tại Điều 18 của Pháp lệnh chưa phân biệt được hoàn cảnh nổ súng (thời chiến, thời bình), nổ súng trong chiến đấu của lực lượng vũ trang, nổ súng trong hoàn cảnh chủ động ngăn chặn, tấn công tội phạm hoặc phòng vệ chính đáng; mặt khác một số điểm quy định còn chưa chặt chẽ như “đối tượng đang dùng vũ lực gây bạo loạn”, “đang phá trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trốn trại giam”… Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, cần nghiên cứu để quy định điều này chặt chẽ hơn, phòng ngừa việc lạm dụng vũ khí gây thiệt hạ đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của nhà nước, tổ chức và cá nhân hoặc hạn chế tính chủ động của các lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng vệ chính đáng. Việc xác định các trường hợp được nổ súng trong thời bình cần phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Có thể quy định cho từng lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng được nổ súng trong từng tình huống cụ thể như: tình huống được được nổ súng tiêu diệt muc tiêu ngay mà không cần phải xin ý kiến; tình huống phải có lệnh của cấp có thẩm quyền; tình huống chỉ được nổ súng khi không có biện pháp nào khác.
Về tên gọi của Pháp lệnh, đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần nghiên cứu lại tên gọi của Pháp lệnh cho phù hợp với tên gọi theo Nghị quyết số 11/2007/NQ – QH 12 của QH là Pháp lệnh về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị thành lập thêm 4 đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, 1 đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao chỉ tiêu biên chế năm 2011, 2012 cho Kiểm toán Nhà nước.