Cụ thể, đến đầu tháng 9.2018, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6.763 video clip khỏi YouTube, hạ nguyên 6 kênh (thay vì hạ từng clip như trước) và 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong buổi làm việc gần đây nhất, Google đồng ý cơ chế Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các yêu cầu bằng tiếng Việt thay vì bằng tiếng Anh. Đây thực sự là một lợi thế trong việc yêu cầu Google gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube. Đối với Facebook, hiện tại, đã có 964 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam bị ngăn chặn, gỡ bỏ khỏi Facebook. Trong buổi làm việc gần đây nhất của Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với đại diện cấp cao của Facebook vào ngày 14.9 đã đạt được một số kết quả đáng kể như: Phó Chủ tịch Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và sẽ hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, dự kiến giữa tháng 10 này, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia sẽ chính thức đi vào hoạt động |
Từ giữa tháng 8, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai xây dựng “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”. Trung tâm này đảm nhận nhiệm vụ tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng, ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, phản cảm trên các trang web, mạng xã hội có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Dự kiến giữa tháng 10 này, Trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Về trò chơi điện tử trên mạng, đã có 127 doanh nghiệp được cấp giấy phép G1, 56 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4. Tổng số trò chơi điện tử trên mạng được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản (kể cả trước và sau khi ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP) là 496, trong đó có 127 trò chơi được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản theo quy định của Thông tư liên tịch số 60 và 369 trò chơi được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT. Trong tổng số 496 trò chơi được cấp, hiện 96 trò chơi đã dừng hoạt động.
Hiện nay, với tổng số game được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản, ngành công nghiệp giải trí này dự đoán đem về 300 triệu USD doanh thu trực tiếp và doanh thu gián tiếp của ngành game thông qua việc bán máy tính, internet, điện thoại di động, tạo công ăn việc làm trong chuỗi cung cấp giá trị cho ngành game ước tính cũng đạt 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chơi game quá độ, khiến người chơi mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đời sống, tinh thần của người chơi, thậm chí trở nên “nghiện”, tâm lý bị ám ảnh bởi các hành động trong game, nhất là các game có nội dung xấu. Ngoài ra những tranh chấp liên quan đến vật phẩm ảo trong game giữa những người chơi với nhau cũng gây mất an ninh, trật tự. Bên cạnh các trò chơi điện tử trên mạng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, còn tồn tại khá nhiều trò chơi có nội dung không lành mạnh, bạo lực, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý người chơi, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu kết luận buổi làm việc |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo thừa nhận, thông tin trên mạng nói chung và trò chơi trực tuyến nói riêng đều có tính hai mặt. Nhằm hạn chế tác động tiêu cực, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Trong đó, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các trò chơi thuần Việt; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của cơ quan quản lý tại địa phương; Thông tin tuyên truyền và nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường...
Ghi nhận nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc yêu cầu Facebook, Google ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên 2 mạng xã hội này, cũng như quản lý hoạt động cung cấp trò chơi điện tử; các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh gợi ý, có thể thành lập trang web để hướng dẫn các em khai thác, sử dụng thông tin đúng cách…